Tìm kiếm Blog này

23 thg 12, 2010

Vấn đề giao thông hiện nay

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ ra rằng : Cái đói, cái dốt là giặc. Trong suốt mấy chục năm qua, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực đấu tranh diệt giặc đói, giặc dốt. Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước cũng đã xuất hiện nhiều tiêu cực, mặt trái, trong đó TNGT là một ví dụ.
Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, bình quân mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 35 người chết vì TNGT. Mỗi năm, số người chết vì TNGT cả chục ngàn người. Nhiều vụ TNGT thảm khốc càng khiến cho dư luận không khỏi suy ngẫm về tình trạng “giặc’’ TNGT ở nước ta.
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mất an toàn giao thông mỗi khi ra khỏi nhà. Qua đó, đủ cho thấy, TNGT đã khiến những người khách nước ngoài cảm thấy bất an. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ đến một lần và không hẹn ngày tái ngộ. Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam kém phát triển là do tình trạng giao thông hỗn loạn. Một ngày “giặc” TNGT còn hoành hành thì không chỉ ngành du kịch bị ảnh hưởng mà nó còn là hiểm họa gieo rắc nỗi đau cho mỗi gia đình và cho cả xã hội.
9. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu TNGT.
Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề TNGT đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà nó gây ra. Vậy tuổi trẻ học đường – thế hệ tương lai của đất nước – có suy nghĩ và có thể làm gì để góp phần giảm thiểu TNGT?
Những thực tế đau buồn về tình hình TNGT đã phản ánh tầm quan trọng của vấn đề : Mỗi ngày qua đi có tới hơn 30 người chết và bị thương do TNGT gây ra. Từng ngày, từng giờ có hàng trăm vụ tai nạn, theo đó là hàng chục thiệt hại,…Và đáng buồn thay, trong số những vụ tai nạn ấy, có nhiều vụ là hậu quả của những học sinh, sinh viên gây ra. Mặt khác, cũng không ít học sinh – sinh viên là nạn nhân đau thương của nhiều vụ TNGT thảm khốc.
TNGT gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Các gia đình mất đi những người thân, xã hội mất đi những thành viên, những bàn tay lao động. Mất đi vì bệnh tật, vì tuổi già đã đành một lẽ, nhưng mất đi vì TNGT - thì thật đau xót. May mắn hơn có người chỉ bị thương. Nhưng trong số ấy cũng có người phải mang bất hạnh suốt đời : bị mất một phần thân thể, bị liệt, phải sống đời sống thực vật,…
TNGT có nhiều nguyên nhân phức tạp. Trước hết là do ý thức và khả năng của người tham gia giao thông. Khi đi đường, nhiều người bất chấp đèn báo, gặp đèn vàng, đèn đỏ vẫn ung dung “thẳng tiến”. Như vậy hỏi sao không tai nạn, hỏi sao không nguy hiểm? Lại có những bác tài lái ô tô được mệnh danh là “tổ lái” : lạng lách, vượt đèn đỏ,…là chuyện “cơm bữa”. Rồi uống rượu, ngủ gật cũng không phải chuyện hiếm. Họ không ý thức được trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho hàng chục con người đang ngồi phía sau “vô lăng” của họ. Cũng cần chú ý đến số đối tượng không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe máy, ô tô. Trong đó phần nhiều là những thanh niên còn đang tuổi học sinh : tay lái yếu, phản xạ kém nên việc tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Nguy hiểm hơn có những học sinh tổ chức đua xe trái phép. Tai nạn không chỉ xảy ra đối với họ mà còn cho cả những người vô tội khác.
Ở nước ta tai nạn còn do sự thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ, cơ sở vật chất chưa được đảm bảo.
Luật giao thông chưa phổ biến sâu rộng đến người dân. Họ rất hồn nhiên đem rơm rạ, thóc lúa rải lên đường quốc lộ để …phơi. Họ vô tư không kém khi lái xe đạp sang phần đường dành cho xe ô tô, xe máy vì …rộng và thoáng hơn.
Cơ sở vật chật cho giao thông cũng là nguyên nhân quan trọng. Chất lượng phương tiện giao thông của chúng ta còn kém. Cùng với đó là hệ thống đường xá, cầu cống chưa đảm bảo. Có những quãng đường quốc lộ loang lỗ những vết “may vá” đắp đổi, rồi hầm hố,…Chưa hết, báo chí vài năm nay còn đưa những bài gây sốc vì bài ca “đào lên lấp xuống” của những con đường. Có những con đường mùa nóng thì bụi ngất trời, mùa mưa thì như đi vào vùng đầm lầy Châu Mỹ. Ôi, những con đường!
Trước thực tế đáng buồn ấy, tuổi trẻ học đường có thể làm gì để góp phần giảm thiểu TNGT?
Trước hết, công việc vô cùng cần thiết là tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường, lớp và có sự tìm hiểu đầy đủ hơn về vấn đề này. Chúng ta là thế hệ tương lai của đất nước, nên hơn ai hết chúng ta cần có sự hiểu biết về giao thông để có thể làm chủ vấn đề ATGT, không để tai nạn xảy ra ngoài ý muốn.
Có hiểu biết về pháp luật, chúng ta cũng cần tuyên truyền luật giao thông cho những người xung quanh. Đó có thể là trao đổi vời người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về ATGT, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo ATGT,…Thực tế cho thấy, nhiều đội thanh niên tình nguyện đã góp phần rất lớn vào việc giảm thiểu những vụ tắt đường, việc xử lì vi phạm giao thông,.. Hiệu quả của tuổi trẻ khi tham gia vào công việc này đã khẳng định thế hệ chúng ta đang phát huy vai trò xung kích của mình trong cuộc sống.
TNGT là mối họa vô hình khó đoán định của số phận con người. Vậy nên ATGT là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức,.. cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu TNGT.
---------------------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/

Lý tưởng sống

Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới với rất nhiều cơ hội và thử thách được mở ra.Và thanh niên chúng ta - những người chủ tương lai của đất nước - phải góp một phần sức cho quê hương của mình. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và xem lại cách sống của mình, và một câu hỏi lớn được đặt ra : Lý tưởng sống của thanh niên ngày nay là gì?
Trước hết chúng ta phải hiểu được “lý tưởng sống” là gì? Lý tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà mỗi con người mong mỏi đạt được.Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình xã hội và đất nước. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc, lòng khao khát đó thúc giục chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc. Hơn thế nữa, tự đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than, muốn an hưởng sự may lành hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo nàn. Để đạt được khát vọng đó, người ta luôn tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời, hay nói đúng hơn là một lý tưởng. Lý tưởng này sẽ hướng dẫn đời họ vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh.Vì có một lý tưởng để theo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người.
Rõ ràng lý tưởng là mục đích sống, là ý nghĩa của mỗi cuộc đời.Lý tưởng quyết định sự thành công trong cuộc sống. Lý tưởng dẫn dắt sự nghiệp, tăng thêm sức mạnh cho mọi người để đạt đến thành công trong sự nghiệp. Lý tưởng cho ta sức mạnh vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Nhà văn Pháp Đi-đơ-rô từng nói: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích tầm thường”. Câu nói đó, lời khẳng định đó thật rõ ràng. Nó khuyên chúng ta sống thì phải có mục đích, lý tưởng phải cao đẹp thì sống mới có ý nghĩa, mới làm được những điều vĩ đại.
Trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kinh tế thế giới hội nhập, khoa học kĩ thuật hiện đại, con người đặt ra vấn đề về lẽ sống của cuộc đời và sống như thế nào cho xứng đáng ? chúng ta nên hiểu sống có mục đích và lý tưởng cao đẹp là như thế nào ? Đó là phải sống để xây dựng đất nước, sống vì xã hội vì sự tiến bộ của nhân loại. Vậy thì tại sao ta phải sống có lí tưởng cao đẹp ? Vì nếu “sống không mục đích không làm được gì cả” và nếu “ mục đích tầm thường thì không làm được điều gì vĩ đại”.Thế chúng ta phải làm gì để trở thành người có mục đích cao cả và có ích cho xã hội? Trước hết, ta cần phải xác định lý tưởng sống đúng đắn-dự tính về tương lai sẽ cống hiến cho xã hội về những mặt nào. Tiếp theo ta cần phải lên kế hoạch học tập, rèn luyện kĩ năng, sức khoẻ, tư tưởng nhằm thực hiện mục đích đó. Sau đó, ta phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị; điều này sẽ giúp cho bản thân hòa nhập cộng đồng.Ta cần phải phát huy những thế mạnh của bản thân, khắc phục các điểm yếu và vận dụng những điều đã học vào thực tế.
Ngày xưa, anh hùng Lý Tự Trọng đã từng nói:”Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác!” trong thời kỳ chiến tranh bao lớp thanh niên xông pha lên đường với một mục tiêu - lý tưởng “ Tất cả vì tiền tuyến, vì độc lập tự do của đất nước”
Biết bao thế hệ thanh niên đã ngã xuống vì một lý tưởng duy nhất là giành lại độc lập tự do cho đất nước. Đến hôm nay khi đất nước hoà bình và đang trên đà phát triển thì lý tưởng sống cao đẹp của thanh niên,thế hệ trẻ lại càng rộng hơn, bao la hơn,” Vì một Việt Nam phát triển và hội nhập”.
Thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ thể của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên càng cần phải sống có mục đích cao đẹp. Hãy nhớ rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ vào công học tập của các em”. Lời nhắn nhủ thiêng liêng ấy phải được thực hiện!
Nhưng hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên lại không suy nghĩ được như thế. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xung quanh, sống theo quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”. Và mục tiêu của phần lớn các bạn trẻ ngày nay là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội; kiếm thật nhiều tiền để có thể thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống của riêng mình.Trong khi rất nhiều người đang cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn thì lại không ít người lại tỏ ra rất hờ hững với những gì đang diễn ra cho đất nước mình.
Tóm lại, thanh niên chúng ta cần phải biết và tạo cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, vì mọi người, vì quê hương đất nước. Bản thân mỗi chúng ta hãy tự nhìn lại cách sống của mình để hướng đến tương lai tươi sáng. Cuối cùng xin kết thúc bằng lời của chiến sĩ cách mạng, một người cộng sản trẻ tuổi, một nhà văn, một anh hùng thời vệ quốc Xô Viết vĩ đại, Paven Coocsaghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (tác giả Nikolai Ostrovsky): "Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Ta phải sống gấp lên mới được. Vì bệnh tật vô lý hay một sự bi đát tình cờ nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời này".
------------------
Nguồn từ: http://vanmau.com/

Cuộc đời và Văn học

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học.” Từ bao đời nay, văn học và cuộc sống luôn có một mối quan hệ hữu cơ gắn kết khó có thể tách rời. Ví như con ong cần mẫn tìm mật ngọt cho đời, văn học- bằng chức năng và tác dụng diệu kì của mình, đã tiếp xúc, thu nhặt những chất liệu từ cuộc sống để khám phá, tái hiện và nâng cuộc sống lên một tầm cao mới, để tìm đến những giá trị chân- thiện- mĩ của cuộc đời. Bởi “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu) ” .

Nói đến nghệ thuật nói chung hay nói đến văn học nói riêng là nói đến muôn vàn khái niệm mà chưa bất kì ai có thể định nghĩa trọn vẹn và hoàn chỉnh. Có những cảm xúc mông lung, mơ hồ và cũng có những quan điểm gần gũi, dễ hiểu. Có những quan điểm tương đồng với nhau đồng thời cũng có những quan điểm trái ngược nhau nhưng tất thảy đều bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Nếu như với thi hào Charles Dubos thì “văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” thì với nhà văn Thạch Lam văn học là “một thứ vũ khí thanh cao và đắc lự mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn.” Văn học nói một cách đơn giản là một hình thái xã hội, một loại hình nghệ thuật dùng ngôn từ để thể hiện với chức năng phản ánh và tái tạo cuộc sống trên quan điểm thẫm mĩ qua lăng kính mang tính chủ quan của tác giả. “Người nghệ sĩ –theo nhà văn Nguyễn Minh Châu- phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều.” Chính vì lẽ đó mà văn học phát sinh và phát triển trên nền tảng cuộc sống xã hội. Và cũng vì thế mà “cuộc đời chính là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.”

Văn học bắt nguồn từ cuộc sống thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà tác giả đã tài tình vận dụng để phản ánh. Chính cuộc sống bao la, diệu kì với bao trăn trở, suy tư này lại mang tới chất liệu vô giá, phong phú và trở thành “nơi xuất phát” cho văn học. Bởi “văn học là con đẻ của đời sống (Chế Lan Viên)”, hay “văn học không phải chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời (Tố Hữu)”. Văn học là nguồn sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này.

“Nghệ thuật là sự mô phỏng của tự nhiên.(Ruskin)” Tuy vậy, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng không phải là sự sao chép hoàn toàn tất cả những gì thuộc về đời sống. Văn học nghệ thuật là sự sáng tạo - sáng tạo trên những chất liệu vốn có góp nhặt được từ cuộc sống. Hình ảnh Chí Phèo-con quỷ dữ làng Vũ Đại với dáng vẻ say khướt, tay cầm chai rượu ngất ngưởng cất vang tiếng chửi đã trở thành một hình tượng độc đáo trong văn học Việt Nam. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời…Rồi hắn chửi đời…Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…Rồi hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra cái thân hắn, đẻ ra cái thân thằng Chí Phèo…” (trích Chí Phèo- Nam Cao). Chí Phèo là hiện thân của hình tượng người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, để rồi bị tha hóa cả về hình dạng lẫn nhân cách và trở thành nỗi ám ảnh của xã hội đương thời. “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với áo Tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thầy tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!...(trích Chí Phèo- Nam Cao)” Bi kịch của Chí là nỗi đau của rất nhiều người dân lao động nghèo thời bấy giờ. “Tao muốn làm người lương thiện. Nhưng ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất đi được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa? Biết không?...” (Trích Chí Phèo- Nam Cao). Ước mơ muốn được trở lại thành người lương thiện, khát khao có được một mái ấm gia đình tuy giản đơn nhưng đã trở thành một điều xa xỉ khó có thể vươn tới đối với họ trước những rào cản xã hội thời bấy giờ. Từ một hình tượng người nông dân quen thuộc trong xã hội cũ, nhà văn Nam Cao đã rất tài tình và tinh tế trong việc sáng tạo nên số phận vô cùng bi đát của nhân vật Chí Phèo để qua đó bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình đối với xã hội cùng với sự đồng cảm, thương xót đối với những con người bất hạnh, khổ đau. Đó cũng chính là quan niệm sáng tác của ông: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân.”

Con người là nhân tố quan trọng của cuộc sống. Đối tượng chính của văn học là con người -con người trong học tập, trong lao động, chiến đấu, con người trong tình yêu và trong những mối quan hệ xã hội khác, con người trong không gian, thời gian với thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn… Văn học gắn bó mật thiết với hành trình của đời người và đến với cuộc sống con người bằng sự đồng điệu của tâm hồn. Từ bé thơ, văn học đã đi sâu vào tâm hồn của ta bằng những câu ca dạt dào bao triết lí tình thương qua lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. “À ơi, con ơi con ngủ cho ngoan, để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về. Bắt được con tép, con tôm, đem bỏ vào nồi nấu cháo con ăn, à ơi à ơi, à ơi à ơi…”
Ta cũng đã lớn lên từng ngày qua những lời răn dạy làm người của ông cha bao đời:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Văn học chú trọng phản ánh tâm tư, tình cảm của con người thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, sâu sắc. Tim ta bất chợt ngân lên bao nỗi niềm thương cảm trước số phận bất hạnh, đau khổ của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, hay hình ảnh cô bé bán diêm tội nghiệp với những ước mơ, khát vọng cháy leo lét cùng ánh lửa que diêm trong đêm đông giá rét làm lòng ta quặn thắt… Quả thật “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết nên (Andecxen).” Qua sự tái hiện tài tình của văn học, ta như đang trải nghiệm chính cuộc sống của những con người bất hạnh ấy. Ta đồng cảm trước những nỗi đau, trước những nỗi khốn khổ của họ. “Văn học là tiếng hát của con tim, là nơi dừng chân của tâm hồn…” (Khuyết danh). Điều cốt lõi của văn chương chính là lòng nhân ái. Vô hình chung, văn học đã trở thành nhịp cầu đưa những con tim đồng cảm xích lại gần nhau hơn để cùng chia sớt những vui buồn, những ước mơ, khát vọng tuy bé nhỏ nhưng rất đỗi thân thương và ý nghĩa. Văn học không chỉ khơi lên trong ta những cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái mà còn dạy ta biết xót thương, căm phẫn, lên án trước những cái xấu xa, cái ác trong cuộc sống. Đó cũng chính là “nơi đi tới” mà văn học luôn hướng đến.

“Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.” (Thạch Lam). Bằng đặc trưng nghệ thuật của mình, văn học lay động đến tận cùng những góc khuất của cuộc sống để tìm hạt ngọc quý ẩn sâu bên trong tâm hồn mỗi con người. Văn học “trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Biêlinxki). Hình tượng nhân vật Hộ trong tác phẩm Đôi Mắt của nhà văn Nam Cao- một mẫu văn nghệ sĩ từ bỏ cái cao siêu, từ bỏ dấu ấn cá nhân của mình trong nghệ thuật, tự nguyện dùng nghệ thuật để tuyên truyền, vận động Cách Mạng giải phóng dân tộc, là một điển hình với danh xưng “người kĩ sư tâm hồn” đem bầu máu nóng của mình tiếp thêm cho nhân loại. Đồng quan điểm trên, nhà văn Vũ Trọng Phụng khi đáp lời Tự Lực Văn Đoàn trên báo Ngày Nay cũng đã phát biểu rằng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời.” Văn học không chỉ biết phát hiện và ngợi ca cái đẹp mà còn phải biết chú tâm đến những mất mát, những bi kịch của đời sống. Hình ảnh chị Dậu cắn rắn bán con, bán chó để cố nộp suất sưu cho chồng làm tim ta quặn thắt. Tai ta như còn văng vẳng đâu đây tiếng khóc xé lòng của cái Tí khi không nỡ rời xa gia đình, xa đứa em thơ dại. “U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi!... Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?” (Trích Tắt Đèn- Ngô Tất Tố). Qua đó ta càng thấu hiểu thêm về nỗi đau, nỗi thống khố cùng cực của những người nông dân lam lũ- những con người ở tận cùng đáy xã hội mà như mụ Nghị Quế (nhân vật trong tiểu thuyết Tắt Đèn) đánh giá thì “cơm chó nhà tao cũng tốn bằng mấy “cơm người” của nhà mày”. Càng căm phẫn với sự ác độc, nhẫn tâm của vợ chồng mụ Nghị Quế ta càng thương cảm và xót xa cho cuộc đời đau khổ, cho số phận bị biến dạng của gia đình chị Dậu hơn. Văn học đã khơi dậy trong ta những tình cảm nhân văn tốt đẹp, giúp ta càng thêm trân trọng về giá trị của cuộc sống hạnh phúc no đủ của hôm nay. Nhìn chung, mọi tác phẩm văn học xuyên qua mọi thời đại, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa cũng luôn viết về cuộc sống, về trái tim con người. Bởi dù chúng ta có khác biệt về màu da, về chủng tộc, về màu sắc quốc kì nhưng chúng ta đều có chung màu đỏ của máu, đều có chung nhịp đập con tim.

Hơn thế, văn học đánh thức những tình cảm sân lắng trong tâm hồn con người, khiến ta cảm thấy yêu gia đình, yêu quê hương và yêu cuộc sống này hơn.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”
Nỗi nhơ quê hương da diết, bồi hồi cùa anh thanh niên xa xứ làm ta bất chợt cảm thấy chạnh lòng. Anh nhớ về gia đình, về xứ sở, về những điều bình dị nhưng rất đỗi thân thương, rất đỗi mặn nồng và tha thiết. Chủ thể trữ tình “ai” không hề được xác định nhưng đã tạo dấu ấn đặc biệt cho bài ca dao.Đó có thể là người thương của anh thanh niên hay cũng có thể là người nông dân lam lũ “một nắng hai sương” ở quê hương anh. Tất cả những điều bé nhỏ ấy đã in sâu trong trái tim của người con xa xứ, bất chợ hiện về trong nỗi nhớ nhung da diết khôn nguôi. Một nỗi nhớ rất đỗi bình dị, giản đơn nhưng lại vô cùng thấm thía! Quả thật quê hương, gia đình luôn là nơi thiêng liêng, thân thương nhất trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người...
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.”
(Quê hương- Đỗ Trung Quân)
Ngoài ra, văn học còn giúp ta biết đau xót trước cảnh quê hương đất nước bị tàn phá, xâm lăng.
“Ôi những cánh đồng quê ta chảy máu
Dây thép gai đâm nát cả trời chiều.”
(Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Câu thơ như rớm máu. Đất nước thật đẹp nhưng cũng thật đau thương. Ta yêu đất nước quật cường và anh dũng, đất nước “như mẹ,như cha, như vợ, như chồng” , đất nước mà ta muốn “hóa thân cho dáng hình xứ sở”, mà ta sẵn sàng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Chính văn học và chỉ có thể là văn học đã nẩy mầm và nuôi lớn trong ta tình cảm lớn lao ấy- tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với Tổ quốc thân yêu!

Tất cả những giá trị nhân văn đã nêu trên là điều mà văn học hướng đến và mong muốn “đi tới”. Qua đó ta cũng thấy rõ trách nhiệm của người nghệ sĩ, của người viết văn, học văn. Đó chính là luôn phải biết trau dồi vốn sống thực tế của bản thân mình để có thể hiểu sâu, cặn kẽ và chính xác khi gặp những vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức sách vở, kiến thức lý thuyết rất cần nhưng luôn phải được soi rọi, đối chứng vào kiến thức, vào vốn sống thực tế vì giữa lý thuyết và thực tế luôn có những khoảng cách nhất định. Vốn sống không phải tự nhiên có được mà phải trải qua những kinh nghiệm, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, về cuộc đời của bản thân. Vốn sống đó còn phải được chọn lọc, sàng lọc qua thời gian mới trở thành vốn quý được.Đó cũng chính là bài học quý giá cho tất cả mỗi cá nhân chúng ta.

Văn học thật diệu kì! Văn học giúp ta thanh lọc tâm hồn, thắp lên trong ta bao yêu thương, khát vọng, chắp thêm cho ta đôi cánh để luôn vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống. Văn học là người bạn đường thân thiết trên mọi nẻo đường, nuôi lớn và làm phong phú tâm hồn ta với thứ tình cảm giàu tính nhân văn cao cả! Chính vì thế mà văn học không thể đứng riêng lẻ, tách rời mà phải gắn với cuộc đời, phải hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng. Mãi mãi với muôn đời sau cuộc đời vẫn luôn đã nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn học.

9 thg 12, 2010

Đánh giá: Bài "Nhàn"-NBK

Như vậy, qua quan niệm sống “nhàn” được thể hiện trong bài thơ, người đọc đã nhận rõ vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là coi thường danh lợi, luôn giữ được tâm hồn trong sang, thanh cao, sống hòa nhập với thiên nhiên, với cuộc sống bình dị. Tác phẩm đã đề cao lối sống thanh cao của những nhà Nho yêu nước nhưng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ phải sống ẩn dật. Tác phẩm “Nhàn” được Nguyễn Bỉnh Khiêm viết bằng chữ Nôm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật một cách sang tạo , linh hoạt về bố cục, về cách diễn đạt. Thông qua những hình ảnh đời thường gắn liền với cuộc sống dân dã. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng giàu tính triết lí. Bên cạnh đó tác giả vẫn vận dụng một cách linh hoạt những điển tích, phép đối...thường gặp trong thơ Đường để sang tác một bài thơ chữ Nôm với những hình ảnh mang hồn dân tộc, thể hiện được quan niệm sống của một con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.

Mở bài: Bài" Nhàn"-NBK

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam: Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trong những chấn động làm rạn nứt những quan hệ nền tảng của chế độ phong kiến, ông vừa vạch trần những thế lực đen tối làm đảo lộn cuộc sống nhân dân , vừa bảo vệ trung thành cho những giá trị đạo lí tốt đẹp qua những bài thơ giàu chất triết lí về nhân tình thế thái, bằng thái độ thâm trầm của bậc đại nho. Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.Nhà thơ đã nhiều lần đứng trên lập trường đạo đức nho giáo để bộc lộ quan niệm sống của mình. Những suy ngẫm ấy gắn kết với quan niệm đạo lí của nhân dân, thể hiện một nhân sinh quan lành mạnh giữa thế cuộc đảo điên. Nhàn là cách xử thế quen thuộc của nhà nho trước thực tại, lánh đời thoát tục, tìm vui trong thiên nhiên cây cỏ, giữ mình trong sạch. Hành trình hưởng nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong qui luật ấy, tìm về với nhân dân, đối lập với bọn người tầm thường bằng cách nói ngụ ý vừa ngông ngạo, vừa thâm thúy:
Một mai, một trúc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Cảnh ngày hè- Bức tranh tràn đầy tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu đời, yêu dân, yêu nước

Họ và tên: Đinh Quang Minh
Lớp: 10A8



Nguyễn Trãi, vị anh hùng tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là một con người tài năng kiệt xuất. Ông không chỉ để lại di sản phong phú về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao mà còn khẳng định tài năng của mình qua sự nghiệp văn chương đồ sộ. Có thể nói, ông là người khởi đầu cho nền thơ cổ điển bằng tiếng Việt qua tập thơ Nôm “Quốc âm thi tập” nổi tiếng. Bài “Cảnh ngày hè” là một bài trong số đó, nơi mà tác giả đã gửi gắm mọi tư tưởng, tình cảm yêu đời, yêu thiên nhiên và ước vọng cao đẹp của mình:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”

Bài thơ được sáng tác vào khoảng thời gian Nguyễn Trãi về ở ẩn ở Côn Sơn. Ông tạm thời xa lánh chốn kinh đô tấp nập để về với thiên nhiên trong trẻo, an lành nơi dân dã; để rồi ghi lại cảm xúc phấn chấn của mình trước cảnh vật mùa hè tưng bừng sức sống và kín đáo gửi gắm khát vọng dân giàu, nước mạnh vào bài thơ

Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên ngày hè:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Câu lục ngôn mở đầu giới thiệu hoàn cảnh sống và tâm trạng của nhà thơ lúc bấy giờ:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường”

Về hình thức, đây là sự phá cách, cách tân táo bạo trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật: Phần đề có hai câu, nay chỉ còn một câu, lại là câu lục ngôn. Bên cạnh đó, nhịp thơ 1/2/3 chậm rãi phản ánh tư thế ung dung, tự tại vốn có của tác giả. Chữ “Rỗi” tách riêng thành một nhịp thể hiện sự nhàn nhã của ông, một người luôn luôn bận rộn với việc nước, việc dân. Đây là lúc ông được sống ung dung, được thỏa ước nguyện hòa mình với thiên nhiên mà ông hằng mơ ước. Tác giả ngồi “hóng mát” trong cảnh “ngày trường”. “Ngày trường” là ngày dài. Đây là cảm giác về thời gian của người sống trong cảnh nhàn rỗi, thấy ngày dường như dài ra. Với con người bận rộn, luôn muốn cống hiến như Nguyễn Trãi thì cảm giác ấy càng thể hiện rõ hơn hết. Ông rơi vào hoàn cảnh phải “hóng mát” hết ngày này qua ngày khác trong khi đất nước đang gặp khó khăn, rơi vào tâm trạng “bất đắc chí”. Một nụ cười chua chát của Nguyễn Trãi như hiện lên đằng sau câu thơ ấy... Việc đặt thanh bằng ở cuối câu là một sự cách tân mới khiến câu thơ nghe như tiếng thở dài nhưng không giống lời than thở, đồng thời thể hiện tâm hồn luôn rộng mở để đón nhận thiên nhiên và cuộc sống xung quanh của nhà thơ

Dường như, chỉ có vẻ đẹp hồn nhiên, vô tư của cảnh vật mới có thể tạm xua đi nỗi phiền muộn vương vít trong tâm hồn tác giả. Ông mở lòng với thiên nhiên:

“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”

Thiên nhiên dưới nét bút của Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh quê tươi khỏe, hài hòa và tràn đầy sức sống. Cây hòe với “tán rợp giương”, xanh um, trong khi cây lựu nở đầy những bông hoa “phun thức đỏ” và sen hồng thì “tiễn mùi hương”. Sức sống trong cây đang “đùn đùn” dâng lên cành, lên hoa, lên lá. Cây tỏa bóng rợp xuống mặt sân, tỏa luôn bóng mát vào cả tâm hồn thi sĩ.. Với cách miêu tả từ gần đến xa bằng nhiều giác quan, màu sắc sinh động, hài hòa, kết hợp với các động từ mạnh, từ láy, bốn câu thơ đầu đã tái hiện được bức tranh thiên nhiêu mùa hè sinh động, căng tràn nhựa sống, đồng thời thể hiện được tình yêu thiên nhiên của nhà thơ
Nếu bốn câu thơ trên, Nguyễn Trãi chỉ miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên của vùng quê thôn dã thì ở hai câu thơ tiếp theo là vẻ đẹp thanh bình của bức tranh cuộc sống:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”

Từ tượng thanh “lao xao” đặt trước hình ảnh “chợ cá” làm nổi bật không khí nhộn nhịp của “làng ngư phủ”, đó là tiếng trao qua đổi lại, ồn ã tiếng nói tiếng cười. Hay tiếng ve kêu “dắng dỏi” như tiếng đàn bỗng vang lên trong “lầu tịch dương” báo hiệu chấm dứt ngày hè ở vùng quê. Tất cả những âm thanh ấy hòa lẫn vào nhau tạo nên bức tranh âm thanh sinh động, náo nhiệt, nó là hơi hướng của cuộc sống lao động cần cù, chân chất. Cảnh vật, thiên nhiên vào cuối ngày thật yên vui, thanh bình, nhưng cuộc sống thì không dừng lại...

Cỏ cây, hoa lá, con người đầy sức sống khơi dậy trong lòng nhà thơ cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng. Đó là tấm lòng ưu ái của ông đối với dân với nước, một tình yêu cuộc sống, yêu con người:

“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”

“Ngu cầm”, điển tích về cây đàn của thời vua Nghêu, vua Thuấn, là thời đại thái bình thịnh trị trong lịch sử Trung Hoa cổ, được tác giả mượn để nói lên ước muốn của ông: “dẽ có” được trong tay cây đàn ấy, đàn một tiếng để dân chúng đều được giàu có, no đủ. Ẩn sau khát vọng ấy là sự trách móc nhẹ nhàng mà nghiêm khắc bọn quan thần tham bạo ở triều đình đương thần không còn nghĩ đến dân, đến nước. Vậy mới thấy, dù sống trong tâm trạng “bất đắc chí”, Nguyễn Trãi vẫn cảm nhận được cuộc sống thường ngày, gắn bó với thực tế, không nguôi ngoai nỗi niềm dân nước. Ông luôn khát khao được đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân. Câu thơ sáu chữ ngắn gọn, súc tích, nhịp 3/3 đã tạo âm hưởng mạnh mẽ, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài thơ.

Việt hóa thơ Đường luật, sáng tạo thơ thất ngôn xen lục ngôn, vận dụng những hình ảnh, màu sắc, đường nét, âm thanh vào cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống con người, bài thơ đã vẽ nên một bức tranh mùa hè vui tươi, đầy sức sống, qua đó nhà thơ gửi gắm lòng yêu mến quê hương đất nước, hoài bão giúp nhân dân xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc

“Cảnh ngày hè” không chỉ tiêu biểu cho “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi mà còn là một trong những bông hoa chữ Nôm của nền văn học Việt Nam. Bằng cách sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, bài thơ đã làm toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước cũng như vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, thể hiện rõ tư tưởng yêu nước thương dân và tinh thần sống có trách nhiệm với dân với nước

Độc Tiểu Thanh kí -Biểu tượng của tinh thần nhân đạo trong thơ Nguyễn Du

Nguyễn Du-đại thi hào,nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII,ngoài tập thơ về “ Truyện Kiều” ông còn nỗi tiếng về chùm thơ “Độc tiểu Thanh Ký” -kể về câu chuyện nói về số phận tài hoa bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh ,qua đó ông cũng muốn nói lên cuộc đời mình cũng heo hắc như nàng, đó là một trong những sáng tác được nhiều người biết đến, thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo và làm người đọc xúc động vì tình cảm nhân đạo cao cả của nhà thơ.
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hận,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Có thể cả bài thơ được Nguyễn Du viết trong thời gian đi xứ sang Trung Quốc thăm mộ Tiểu Thanh và đọc tập thơ của nàng mà cảm động viết ra bài thơ này.Tiểu Thanh-một ngươờ con gái tài sắc nhưng bất hạnh , lấy lẽ người tên là Phùng, bị vợ cả ghen, hành hạ, nàng buồn khổ đến chết khi mới 18 tuổi. Nàng có tập thơ bị vợ cả ghen đem đi đốt.Tập thơ còn lại một phần và được người đời chép lại. Nhờ tập thơ cháy dở ấy mà ND đã sáng tác ra được những dòng thơ thương xót này:
“Tây Hồ hoa uyễn tẫn thành khư”
Câu thơ đầu mở ra cho ta thấy một hình ảnh đối lập nhau. “Tây Hồ, hoa uyễn” đối lập với “ tẫn thành khư”.Gò hoang bên cạnh cảnh đẹp Tây Hồ càng gợi nỗi thương tâm của nàng Tiểu Thanh.Cảnh đẹp ngày xưa nay đã không còn dấu vết gì,cảnh vật đã theo qui luật của tự nhiên biến đổi theo thời gian.Tác giả đã sử dụng phép hoán dụ bằng cách nhắc đến Tây Hồ để liên tưởng đến nơi mà nàng Tiểu Thanh đã từng sống.
" Độc điếu song tiền nhất chỉ thư "
Câu thơ thứ hai xuất hiện đến hai từ chỉ sốt ít đó là " độc " và " nhất".Ngồi bên cửa sổ, nhà thơ thổn thức khi đọc tập thơ của nàng Tiểu Thanh .Văn chương của nàng cũng chịu bi đát của hồng nhan và dường như giữa tác giả và nàng Tiểu Thanh đều phải sống trong cảnh cô đơn nên dễ có sự đồng cảm.
Qua hai câu thơ, tác giả đã cho ta thấy bài thơ như một tiếng thở dài trước sự biến thiên, dâu bể của cuộc sống tự nhiên.Tuy cuộc sống, thiên nhiên cho nhiều thay đổi nhưng tác giả vẫn nhớ,vẫn cảm thông trước nỗi đau của một con người tài hoa nhưng bạc mệnh.
Cuộc sống của nàng Tiểu Thanh kiếp người và số phận nàng luôn chịu cái số xấu đã được sắp đặt :
"Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư."
Nguyễn Du đã chọn " chi phấn" và ông đã nhân cách hoá son phấn để suy tưởng." Chi phấn " có thần chắc phải xót xa vì nó đã gắn bó với con gái bạc mệnh thế nên "Chi phấn" là một cách nói hoán dụ để nói về tài và tâm hồn nàng." Hữu thần" từ chỉ sự việc cuộc đời Tiểu Thanh và rồi " liên tử hận" nói lên cái chết oan ức của Tiểu Thanh. Chỉ bằng một câu thơ,Nguyễn Du đã tái hiện lại được bi kịch cuộc sống của Tiểu Thanh
Nguyễn Du lại một lần nữa sử dụng phép hoán dụ từ " văn chương " để chỉ cái tài,chỉ ra tâm hồn thơ của nàng.Từ ngữ " vô mệnh " cho ta thấy nàng Tiểu Thanh không có một số phận hoàn hảo,số phận cô như bị huỷ diệt .Từ " luỵ phần dư" trong nguyên tác rất hay,diễn tả được nỗi oan của văn chương mà cũng chính là nỗi oan khuất của kẻ tài hoa.Hai câu thơ đối nhau rất chuẩn.
Nguyễn Du đã nhắc đến những sự việc quan trọng nhất trong cuộc đời của Tiểu Thanh,qua đó người đọc có thể hình dung được một người có sắc,có tài nhưng có số phận bất hạnh.Có thể nói cuộc đời của Tiểu Thanh tiêu biểu cho cuộc đời của những người tài hoa,bạc mệnh.Nguyễn Du không chỉ thấu hiểu mà còn đồng cảm sâu sắc với bi kịch trong cuộc đời nàng Tiều Thanh.Tuy nhiên,mặc dù sự tài hoa bị những thế lực đen tối rắp tâm,huỷ diệt nhưng nó vẫn có một sức sông mãnh liệt,vẫn tồn tại.Cách miêu tả của Nguyễn Du gợi cho người đọc niềm tin mãnh liệt về sự trường tồn của cái đẹp.
"Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư."
Hai câu thơ tiếp theo là lời luận bàn của Nguyễn Du về lời bàn kim cổ.Nguyễn Du cho rằng từ xưa đến nay có những nỗi hờn,bi kịch khó tìm ra lời lý giải,khó tìm ra câu giải đáp như Nguyễn Du cho mình là người cùng hội,cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh,Nguyễn Du cũng là người có tài phong vận ,tài hoa bạc mệnh cũng như nàng Tiểu Thanh vì Nguyễn Du là một người sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng số phận phải chịu cảnh long đong,lận đận,ông có tài văn chuơng nhưng học hành,thi cử không đổ cao nhưng cuối cùng được bổ cho chức quan võ ở Thái Nguyên và thơ của ông luôn thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo,yêu nước của con người.
Hai câu thơ đối nhau đã trực tiếp bà tỏ được sự đồng cảm sâu sắc với những bi kịch của nàng Tiểu Thanh,với những số phận đau khổ,với những cảnh đời bất công, ngang trái của những kiếp hồng nhan bạc phận,của những người tài hoa dường như chỉ có một cách giải thích duy nhất cho nỗi hờn kim cổ là dựa và thuyết tài tương đố
Hai câu kết nói lên nỗi niềm của Nguyễn Du:
"Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? "
Câu hỏi tu từ được Nguyễn Du dùng đến như một câu tự hỏi mình " Chẳng biết 300 năm lẻ nữa
Có ai nhỏ lệ cho Tố Như không ?" Câu hỏi này cũng đã diễn tả được khao khát của Nguyễn Du.Ngày hôm nay Nguyễn Du đồng cảm với nỗi đau của nàng Tiểu Thanh nhưng không biết sau này hậu thế có ai hiểu cho ông không.Từ "khấp " có nghĩa là nhỏ nước mắt,thể hiện sự đồng cảm ,thấu hiểu.Ông khao khát có người tri âm,có người đồng cảm thấu hiểu cho nỗi lòng của mình. Câu hỏi tu từ "Chẳng biết...Tố Như không ?" mà Nguyễn Du đặt ra đối với hậu thế hiện tại Nguyễn Du đang sống trong những ngày cô đơn,không ai hiểu và đồng cảm cho những bi kịch trong cuộc sống của Nguyễn Du : đang sống trong nỗi niềm u uất,không thề chia sẽ cùng ai
Đặt hai câu kết trong hoàn cảnh sáng tác của bài thơ,người đọc cảm nhận được câu hỏi tu từ như một lời nhắc nhở hậu thế đừng bao giờ quên nỗi oan ức của người xưa
Bài thơ hàm súc,ngắn gọn chỉ vỏn vẹn năm mươi sáu âm tiết nhưng đã giới thiệu được những bi kịch của nàng Tiểu Thanh,đó cũng là bi kịch của Nguyễn Du-một người tài hoa nhưng bạc mệnh.Bài thơ đồng thời bày tỏ được niềm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh,dành cho những tài hoa bạc mệnh.Bài thơ cũng đề cập đến niềm mong mỏi đó là khao khát của Nguyễn Du hướng về hậu thế. Ẩn trong tác phẩm,bài thơ là sự phẫn nộ trước thế lực đen tối,muốn phá huỷ và chà đạp lên cuộc sống của con người,huỷ diệt con người. Nguyễn Du đã bày tỏ trong bài thơ về tư tưởng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc."Độc Tiểu Thanh Kí " là một bài viết bằng chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Du ,sử dụng phép đối va khả năng diễn đạt giàu tính gợi hình,gợi cảm,có sự thống nhất trong những mặt đối lập và ngôn ngữ giàu chất trữ tình,có tính triết lý.
Chưa tới 200 năm kể từ khi bài thơ này ra đời,hậu thế đã hiểu được nỗi lòng và tâm sự của Nguyễn Du,hậu thế cũng lý giải được nỗi hờn kim cổ mà Nguyễn Du đã phải trải qua.
Tố Hữu đã thay mặt cho hậu thế để viết những vần thơ bày tỏ sự tri âm với Nguyễn Du :
"Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn nam sau nhờ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ phu mỗi ngày "
(Trích " Kính gửi cụ Nguyễn Du " )
Tên: Huỳnh Ngọc Minh Thư
Lớp : 10a8

Độc Tiểu Thanh ký-Tiếng lòng của người tri âm

Đề: Nghị luận văn học: Độc tiểu thanh kí của Nguyễn Du
Trong gia tài thi ca phong phú của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bộ phận thơ chữ Hán có vai trò khá đặc biệt. Đó là những bài mà Nguyễn Du có thể trực tiếp bộc lộ những tâm tư, tình cảm; bày tỏ những day dứt trăn trở của mình.Trong bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký" những tâm sự ấy của Nguyễn Du lại có được sự tương đồng, gần gũi với cuộc đời, số phận tài sắc mà bất hạnh của Tiểu Thanh. Từ đó, ta có thể thấy rằng bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa nỗi đau thương người và long thương mình, giữa sự cảm thông cho kiếp người tài hoa bạc mệnh và long trân trọng phẩm chất con người. Đó cũng là một phần quan trọng, sâu sắc trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du.
Độc Tiểu Thanh ký có nghĩa là câu chuyện của nàng Tiểu Thanh. Đó là người con gái có thật, sống cách Nguyễn Du 300 năm trước ở đời Minh . Nàng là người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì làm lẽ nên bị vợ cả ghen, đày ra sống ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Vì buồn, nàng sinh bệnh chết và để lại tập thơ. Mặc dù vậy, người vợ cả vẫn ghen nên đốt tập thơ, chĩ còn lại một số bài thơ tập hợp trong “phần dư” . Đó cũng chính là lí do để lại niềm thuơng cảm sâu sắc cho Nguyễn Du. Cảm hứng xuyên suốt toàn bài được diễn tả trong khuôn khổ cô đúc của thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Nguyễn Du khóc người cũng để tự thương mình. Dù là cảm xúc về một cuộc đời bất hạnh đã cách ba trăm năm, nhưng thực chất cũng là tâm sự của nhà thơ trước thời cuộc.
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)

Hai câu thơ dịch đã thoát ý nguyên tác nên làm giảm đi phần nào hàm ý súc tích của câu thơ chữ Hán. Nguyễn Du không nhằm tả cảnh đẹp Tây Hồ mà chỉ mượn sự thay đổi của không gian để nói lên một cảm nhận về biến đổi của cuộc sống. Tây hồ có nghĩa là nahc81 tới nơi ở của nàng Tiểu Thanh, nhắc đến những con người tài hoa bạc mệnh. Câu thơ thứ hai xuất hiện hai từ chỉ số ít: “độc” và “nhất”, một mình nàh th7o viết về sự cô đơnqua một tập sách nhỏ, dường như tác giả và nàng Tiểu Thanh đều phải chịu củng chung một hoàn cảnh cô đơn nên có sự đồng cảm. Tuy cuộc sống, thiên nhiên có nhiều thay đổi nhưng nỗi đau của một người tài hoa bạc mệnh khó phai trong long tác giả.

Hai câu thực đã làm sáng tỏ cho cảm giác buồn thuơng ngậm ngùi trong hai câu đề :
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Theo quan niệm xưa, “son phấn” – vật trang điểm của phụ nữ có thần vì gắn với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Còn “văn chương” là hình ảnh hoán dụ biểu tượng cho cái tài. Cả hai câu thơ cùng nhằm nhắc lại bi kịch trong cuộc đời Tiểu Thanh – một cuộc đời chỉ còn biết làm bạn với son phấn và văn chương để nguôi ngoai bất hạnh. Mượn vật thể để nói về người, gắn với những vật vô tri vô giác là những từ ngữ chỉ cho tính cách, số phận con người như “thần” và “mệnh”. Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về những bất hạnh của kiếp người qua số phận của Tiểu Thanh. Kết cục bi thảm của tiểu Thanh xuất phát từ sự ghen tuông, lòng đố kỵ tài năng của người đời. Dù chỉ là những đồ vật vô tri vô giác thì chúng cũng phải chịu số phận đáng thương như chủ nhân : son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Hai câu thơ đã gợi lên sự tàn nhẫn của bọn người vô nhân trước những con người tài hoa. Đồng thời, cũng thể hiện nhận thức của Nguyễn Du vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời của khách “hồng nhan bạc phận”, gắn với quan niệm “tài mệnh tương đố” của Nho gia. Vật còn như thế, huống chi ngưòi! Vượt lên trên những ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh là cả tấm lòng giàu cảm thương của Nguyễn Du.
Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến :
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
Nỗi oan của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng nàng mà còn là kết cục chung của những người có tài từ “cổ” chí “kim”. Nhà thơ gọi đó là “hận sự”, một mối hận suốt đời nhắm mắt chưa yên. Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ – và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời “khó hỏi trời” (thiên nan vấn). Câu thơ đã giúp ta hình dung rõ cuộc sống của những nạn nhân chế độ phong kiến, dồn nén thái độ bất bình uất ức ủa nhà thơ với thời cuộc, đồng thời cũng thể hiện một sự bế tắc của Nguyễn Du. Khóc người để thương mình, cảm xúc đồng điệu đã làm thành câu thơ bất hủ “phong vận kỳ oan ngã tự cư”.Ông cũng cho mình là một con người tài hoa bạc mệnh, cũng là người trải qua nhiều bi kịch và không hề có câu trả lời, ông sinh ra trong một gia đình quyền quý, kiến thức văn chương uyên thâm nhưng lại không thành công trong chuyện thi cử khiến ông phải làm chức quan tầm thường. Hai câu thơ đối đạ bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh. Dường như chỉ có một cách để giải thích cho nội hờn kim cổ là dựa vào kiếp “tài mệnh tương đối”
Khép lại bài thơ là những suy tư của Nguyễn Du về thời thế :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hà hà nhân khấp Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Ngưòi đời ai khóc Tố Như chăng)
Khóc cho nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu, dòng suy tưởng đã đưa nhà thơ đến ba trăm năm sau cùng một mối hồ nghi khó giải tỏa. Tiểu Thanh còn có tấm lòng tri kỷ của Nguyễn Du tìm đến để rửa những oan khiên bằng giọt nưóc mắt đồng cảm. Còn nhà thơ tự cảm thấy sự cô độc lẻ loi trong hiện tại. Câu hỏi người đời sau ẩn chứa một khát khao tìm gặp tấm lòng tri âm tri kỷ giữa cuộc đời. Ông đặt câu hỏi 300 năm sau có ai hiểu ông không mang ý nghĩa ông đang rơi vào hoàn cảnh bi đát vì hai chữ “trung quân”.
Không phải đợi đến ba trăm năm sau, ánh sáng của thời đại mới đã làm sáng mãi tên tuổi của Nguyễn Du trong lòng dân tộc, tên tuổi Tố Như đã làm vinh danh dân tộc Việt Nam. Cuộc sống đã đổi thay, nhiều niềm vui của dân tộc đang nhân lên trước cánh cửa vào thế kỷ XXI, thế nhưng chúng ta vẫn trân trọng và cảm thông nỗi buồn của Nguyễn Du – nỗi buồn thời đại quá khứ. Thời đại mới giải tỏa cho những bế tắc của Nguyễn Du và thời đại của ông, tiếp thu tinh thần nhân bản dân tộc ấy :
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru ngày”

Cảnh ngày hè-Nguyễn Trãi

TÊN: LÂM HÙYNH NHƯ
LỚP: 10A8
NĂM HỌC: 2010- 2011
ĐỀ: CẢNH NGÀY HÈ
Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một người anh hùng với lí tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân
Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn.Nếu như “Bình Ngô đại cáo” của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ “Cảnh ngày hè” là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.Bài thơ mang thể lọai thất ngôn xen lục ngôn_ 1 sự sáng tạo của riêng Nguyễn Trãi.Qua bài thơ ta cảm nhận dc tư tưởng, tình cảm yêu đời, yêu thiên nhiên và ước vọng cao đẹp cũa Nguyễn Trãi.
‘’Rồi hóng mát thưở ngày trường,
……..
Dân giàu đủ khắp đòi phương.’’
Bài thơ dc sáng tác khi Nguyễn Trãi về quê ở ẩn vì k dc vua tin tưởng
trọng dụng nữa.Đây là một hòan cảnh bất đắc chí, tác giả k muốn sống như thế nhưng vẫn cứ phải sống.Mở đầu bài thơ:
‘’Rồi hóng mát thưở ngày trường,’’
Câu thơ 6 chữ nhưng giới thiệu khá đầy đủ về thời gian, hòan cảnh, tâm trạng của nhà thơ.Qua từ ‘’rồi’’, ‘’ ngày trường’’ ta thấy thật lạ, một người có tài đức như ông ,1 người luôn muốn đóng góp sức mình cho đất nước thêm giàu mạnh ,phát triển thế mà giờ đây lại phải sống nhàn rỗi trong những ngày dài như thế.Quả là bất công.Câu thơ mang nhịp 1/2/3 kết hợp với thanh bằng cuối câu cho ta cảm giác nghe như tiếng thở dài nhưg không giống lới than thở.Qua câu thơ đầu tiên ta thấy tâm hồn nhà thơ luôn rộng mở để đón nhận thiên nhiên và cuộc sống xung quanh.
Ba câu thơ tiếp theo cho ta cảm nhận dc vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống:
‘’Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hương còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.’’
Bức tranh cảnh ngày hè được tác giả vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Mọi vật sinh sôi, nảy nở, vươn dậy 1 cách nhanh chóng Tất cả hòa quyện lại với nhau tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè.Nhịp thơ ¾ công với từ cổ ‘’ thức’’, từ ‘’tiễn’’, động từ mạnh ‘’phun’’góp phần làm cảnh vật nổi bật hơn.Cách miêu tả từ gần đến xa bằng nhiều giác quan, màu sắc sinh động, hài hòa kết hợp với các động từ mạnh, từ láy để tái hiện bức tranh thiên nhiên mùa hè sinh độg, đáng yêu,căng tràn nhựa sống,dường như vạn vật đều khoe sắc, tỏa hương.Chắc hẳn phải là 1 người yêu thiên nhiên, có tâm hồn tinh tế nhạy cảm thì Nguyễn Trãi mới viết dc những vần thơ sinh đông và sâu sắc đến như vậy.
Hai câu thơ tiếp theo giúp ta hình dung dc vẻ đẹp thanh bình của bức tranh cuộc sống con người:
‘’Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.’’
. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, tác giả còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác Ông thấy âm thanh “lao xao” của làng chài, “dắng dỏi” của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ láy “lao xao”, “dắng dỏi”. Ta thấy dc cảnh vật thật yên vui, thanh bình.Phải là 1 ng` thiết tha yêu cuộc sống, gắn bó với cuộc sống, Nguyễn Trãi mới cảm nhận dc những âm thanh đời thường như vậy.
Hai câu thơ cuối thể hiện niềm khát khao cao đẹp của tác giả muốn cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước:
‘’Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.’’
Câu cuối 6 chữ ngắn gọn, nhịp 3/3 âm hưởng mạnh mẽ thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài.Đáng lẽ sau khi đánh thắng quân Minh thì phải bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống ấm no, hp’ cho nhân dân nhưng Lê Lợi lại nghe lời xu nịnh của bọn gian thần mà nghi ngờ những vị quan đã có công giúp mình ngày xưa.Dù k dc trọng dụng nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn đau đầu vì dân, dù ở ẩn nhưng ông vẫn luôn nghĩ cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.Trong tâm trí của ông luôn có khát khao đem tài trí của mình đễ thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.
Qua bức tranh mùa hè vui tươi tràn đầy sức sống tác giả đã gởi gắm lòng yêu mến quê hương đất nước, hòai bão giúp dân xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.Qua bài thơ vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trã dc bộc lộ khá sâu sắc và chân thực.Bài thơ thể hiện rõ tư tưởng yêu nước, thương dân, tinh thần sống có trách nhiệm với quê hương,đất nước của Nguyễn Trãi.Nghệ thuật của bài thơ cũng rất sáng tạo. ông đã việt hóa thơ Đường luật, sáng tạo thơ thất ngôn xen lục ngôn.Vận dụng hình ảnh, màu sắc,đường nét, âm thanh của cảnh vật thiên nhiênvà cuộc sống con người.Hệ thống ngôn ngữ giản dị,tinh tế xen lẫn từ Hán và điển tích.Qua tất cả ta thấy Nguễn Trãi là ng` đã có công khai sáng văn học tiếng việt.
Cảnh ngày hè không chỉ là bài thơ tiêu biếu cho Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi mà cò là 1 trong những bông hoa chữ Nôm đẹp nhất trng văn học Việt Nam. . Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.

"Cảnh ngày hè"- Bông hoa chữ Nôm đầu mùa tuyệt đẹp

Trường: Võ Thị Sáu
Lớp: 10a8
Họ và tên: Phạm Trần Nguyệt Minh STT: 19


Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi

-------------------------------------
Bài làm
Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như “ Bình ngô đại cáo” của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì “ Cảnh ngày hè” là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Bài thơ đã thể hiện tư tưởng, tình cảm yêu đời, yêu thiên nhiên và ước vọng cao đẹp của nhà thơ.
“ Rồi hóng mát thuở ngày trường
………………………………
Dân giàu đủ khắp đòi phương “

Mở đầu, bài thơ đến với ta với những hình ảnh về thiên nhiên rực rỡ.
“ Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương “
Từ “ rồi” mở đầu câu thơ phải chăng nói đến tâm trạng “ bất đắc chí” của nhà thơ. Câu thơ đầu chỉ vỏn vẹn với sáu từ nhưng đã khá đầy đủ về thời gian, hoàn cảnh, tâm trạng của nhà thơ. Đây chính là sự phá cách đầy sáng tạo của Nguyễn Trãi, ông đã Việt hóa thơ Đường luật vốn mỗi câu có đủ bảy từ. Lại thêm sự mới lạ với cách ngắt nhịp: một, hai, ba kết hợp với thanh bằng ở cuối câu làm câu thơ nghe như tiếng thở dài nhưng lại không giống lời than thở. Xem bức tranh thiên nhiên của Nguyễn Trãi, trước hết ta thấy hình ảnh một con người ngồi đó - Câu mở đầu hóng mát ngoạn cảnh nhàn nhã, thảnh thơi. Phải chăng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng vẫn hòa mình cùng thiên nhiên, bức tranh thiên nhiên đã hiện ra trước mắt ông thật rực rỡ
Ba câu thơ tiếp theo, dưới ngòi bút đầy tài năng của Nguyễn Trãi, một bức tranh thiên nhiên thật sống động và đầy màu sắc đã đến với chúng ta một cách chân thật nhất. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau, tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Mở đầu câu thơ là hình ảnh cây Hòe – một loại cây đặc trưng ở vùng Bắc Bộ, rất dễ bắt gặp ở mọi nơi. Tính từ” đùn đùn “ kết hợp với động từ mạnh “ giương” đã góp phần diễn tả sự sum xuê, nẩy nở, làm cho cây hòe như có hồn hơn, làm bức tranh như sống động hơn. Bên cạnh đó, không chỉ cảm nhận bằng thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác và khứu giác. Nhịp thơ ¾ kết hợp với động từ mạnh” phun “ làm cảnh vật dường như nổi bật hơn nhưng lại không chói chang, oi nồng mà mát dịu, tinh tế. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ “đùn đùn”, “giương”, “phun”, “tiễn”, “ lao xao”, “dắng dỏi”. Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã thay đổi, không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông đã miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
Và “ Cảnh ngày hè” trong thơ Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện trong những màu sắc của thiên nhiên tươi đẹp mà còn qua nhịp sống sinh đẹp của nhân dân.
“ Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”
Hai từ láy “lao xao”, “dắng dỏi” kết hợp với nhau đã thể hiện những âm thanh
của làng chài quen thuộc- lao xao của chợ cá, rộn rã của tiếng ve. Ở đây, Nguyễn Trãi đã ngắm nhìn cuộc sống, cảm nhận cuộc sống với một tâm hồn rộng mở một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Tiếng lao xao, tiếng ve phải chăng là tiếng lòng ông, tiếng lòng của một vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời, tiếng lòng của một người yêu thiên nhiên tha thiết. Thiên nhiên, cảnh vật ở vào thời điểm cuối ngày nhưng sự sống thì không dừng lại. Cũng như Nguyễn Trãi, mặc dù đã lui về ở ẩn nhưng lòng ông lúc nào cũng có một tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước tha thiết.
Hai câu cuối của bài thơ đã được tác giả gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ, qua đó, thể hiện hết phần nào về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
“ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Ở đây, tác giả đã mượn điển tích để nói lên khát vọng của mình. Câu thơ cuối sáu chữ ngắn gọn, nhịp 3/3 thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài – tác giả khát khao đem tài trí thực hành tư tưởng yêu nước, thương dân, và đó cũng chính là tưởng chủ đạo của bài thơ. Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước. Không có một lòng yêu quê hương, đất nước sâu đậm, ông không thể có một ước muốn như vậy. Không có lòng yêu quê hương, đất nước, ông không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp mùa hè nơi một làng chài quê hương thanh bình. Và, không có lòng yêu quê hương, đất nước, ông không thể viết nên bài thơ “ Cảnh ngày hè” làm xúc động lòng người như vậy.
Bài thơ tả cảnh ngày hè cho thấy tâm hồn Nguyễn Trãi chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yên nhân dân, đất nước. Việt hóa thơ Đường luật, sáng tạo thơ thất ngôn xen lục ngôn, vận dụng hình ảnh, màu sắc, đường nét, âm thanh của cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống của con người, hệ thống ngôn ngữ giản dị tinh tế xen lẫn từ Hán và điển tích chính là nhửng nét nghệ thuật đặc trưng cho “ Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.
Bài thơ “Cảnh ngày hè” đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.

6 thg 12, 2010

"Nhàn" và quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tên : Ngô Thị An Khương
Lớp : 10a8 STT: 15
Đề : cảm nhận về bài thơ “ Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bài làm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là người có học vấn uyên thâm . Tuy nhiên khi nhắc đến ông là làm mọi người phải nghĩ đến việc , lúc ông còn làm quan ông đã từng dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng đã không thành công nên ông đã cáo quan về quê . Do học trò của ông đều là những người nổi tiếng nên được gọi là Tuyết Giang Phu Tử . Ông là người có học vấn uyên thâm ,là nhà thơ lớn của dân tộc . Thơ của ông mang đậm chất triết lí giáo huấn , ngợi ca chí khí của kẻ sĩ ,thú thanh nhàn , đồng thời cũng phê phán những điều sống trong xã hội . Khi mất ông để lại tập thơ bằng tập viết thơ bằng chữ Hán là Bạch Vân am thi tập ; tập thơ viết bằng chữ Nôm là Bạch Vân quốc ngữ thi và “ Nhàn” làbài thơ tiêu biểu trong tập thơ Bạch Vân quốc âm thi tập , được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật . Bài thơ ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn .Qua đó ta có thể thấy được vẻ đẹp chân chính của ông, nét mộc mạc của làn quê .
“ Một mai một cuốc , một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người dến chốn lao xao
Thu ăn năng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cay ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”
Hai câu đề đã khắc họa dược như thế nào 1 cuộc sống nhàn rỗi
“ Một mai , một cuốc, một cần câu
Thơ thẫn dầu ai vui thú nào.....”
Ở câu thơ đầu câu thơ đã khắc họa hình ảnh 1 ông lão nông dân sống thảnh thơi .Bên cạnh đó tác giả còn dùng biện pháp điệp số từ “ một “thêm vào là 1 số công cụ quen thuộc của nhà nông nhằm khơi gợi trước mắt người đọc 1 cuộc sống rất tao nhãn và gần gũi nhưng không phải ai mún là có . Từ “ thơ thẩn” trong câu hai lại khắc họa dáng vẻ của 1 người đang ngồi ung dung chậm rãi và khoan thai .Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời của tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo ông về ở ẩn . Và từ “ vui thứ nào” cũng 1 lần nữa nói lên đề tài của bài thơ là về cảnh nhàn dẫu cho ai có ban chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn thư thái . Hai câu thơ đầu đã không chỉ giới thiệu được đề tài mà còn khắc họa tư thái ung dung nhàn hạ , tâm trang thoải mái nhẹ nhàng vui thú điền viên.
“..... Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người dến chốn lao sao......”
Hai câu thực của bài thơ ý tác giả muốn nhắm đến cảnh nhàn và sử dụng các từ đối nhau như “ ta “_ “ người” ; “ dại” _ “ khôn” ; “ nơi vắng vẻ”_ “ chốn lao xao” từ 1 loạt những từ đối lập đó đã thể hiện được quan niệm sống của tác giả . Nhân vật trữ tình đã chủ động tìm đến nơi vắng vẻ đến với chốn thôn quê sống cuộc sống thanh nhàn mặc cho bao người tìm chốn “phồn hoa đô hội” . hai câu thơ đã đưa ra được hai lối sống độc lập hoàn toàn trái ngược nhau. Tác giả tự nhận mình là “ dại” vì đã theo đuổi cuộc sống thanh đạm thoát khỏi vòng danh lợi để giữ cho tâm hồn được thanh nhàn .Vậy lối sống của NBK có phải là lối sống xa đời và trốn tránh trách nhiệm ?” Điều đó tất nhiên là không vì hãy đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác chỉ có thể làm như vậy mới có thể giữ được cốt cách thanh cao của mình . Do NBK có hoài bảo muốn giúp vua làm cho trăm dân ấm no hạnh phúc nhưng triều đình lúc đó đang tranh giành quyền lực , nhân dân đói khổ tất cả các ước mơ hoài bảo của ông không được xét tới .Vậy nên NBK rời bỏ “ chốn lao xao “ là điều đáng trân trọng .
“ ..... Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.........”
Hai câu luận đã dùng biện pháp liệt kê những đồ ăn quanh năm có sẵn trong tự nhiên . Mùa nào thức ăn nấy , mùa thu thường có măng tre và măng trúc quanh nhà , mùa đông khi vạn vật khó đâm chồi thì có giá thay . Câu thơ “ xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” gợi cho ta cuộc sống sinh hoạt nơi dân dã .Qua đó ta có thể cảm nhận được tác giả đã sống rất thanh thản , hòa hợp với thiên nhiên tận hưởng mọi vẻ đẹp vốn có của đất trời mà không bon chen , tranh giành .Đăt bài thơ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì lối sống của NBK thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn thanh cao đó là lối sống tích cực thể hiện rõ thái độ của Bạch Vân cư sĩ .
“....... Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”
Hai câu luận đã thể hiện dược cái nhìn của 1 nhà trí tuệ lớn , có tính triết lí sâu sắc , vận dụng ý tượng sáng tạo của điện tích Thuần Vu . Đối với NBK phú quí không phải là 1 giấc chiêm bao vì ông đã từng đỗ Trạng Nguyên , giữ nhiều chức vụ to lớn của triều đình nên cuộc sống phú quí vinh hoa ông đã từng đi qua nhưng ông đã không xem nó là mục đích sống của ông. Mà ông đã xem đó chỉ là 1 giấc chiêm bao không có thực và ông đã tìm đến với cuộc sống thanh thản để luôn giữ được cốt cách thanh cao của mình .
Như vậy qua bài thơ ta đã hiểu được quan niệm sống nhàn và nhân cách của NBK coi thường danh lợi , luôn giũ dược tâm hồn thanh cao hòa hợp với thiên nhiên , dề cao lối sống của những nhà nho giáo giàu lòng yêu nước nhưng do hoàn cảnh nên phải sống ẩn dật . Bên cạnh đó NBK còn sử dụng ngôn ngữ gần gũi mộc mạc nhưng giàu chất triết lí . Sử dụng khéo léo thể thơ thất ngôn đường luật , điện tích điện cố và cách phép đối thường gặp ở thể thơ Nôm 1 cách linh hoạt .
Bài “Nhàn” là 1 bông hoa viết bằng chữ Nôm tuyệt đẹp của VHTĐVN . Quan niệm sống đề cao vẻ đẹp tâm hồn , lối sống trong sạch của NBK vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

5 thg 12, 2010

Clip, Internet và cái nghĩa thầy trò

TTO - Vụ việc học sinh tại Trường Trần Phú (Hải Phòng) ghi âm cô giáo chửi hồi tháng 9-2010 vừa tạm lắng xuống thì cộng đồng mạng lại bắt đầu "sốt tập 2" với một clip vừa được tung lên YouTube với tựa "Quá choáng clip cô giáo văng tục học trò".

Xin không bàn chuyện thái độ của giáo viên trong những vụ việc này là đúng hay sai, xin chỉ nói về mối liên hệ giữa điện thoại di động/máy ảnh/máy ghi âm - học trò - thầy cô - mạng Internet.

Có lẽ chưa bao giờ mối liên hệ ấy lại làm cộng đồng điêu đứng đến vậy khi nhiều clip, đoạn ghi âm mà học trò là tác giả, khiến bao người giật mình, không khỏi có cái nhìn bi quan về thế giới học đường hôm nay.

Cứ có cảm giác một số học trò hiện nay khi phát hiện bất cứ có chuyện gì khác thường trong lớp học là ngay lập tức (trong khả năng của mình) ghi âm, ghi hình, chụp ảnh... rồi nhanh tay tung lên mạng.

Động cơ của việc làm ấy là gì? Muốn được nổi tiếng vì có "hàng độc" khoe với cộng đồng mạng? Gây sốc, gây sốt từ online đến đời thực là một thú vui? Dùng Internet như một vũ khí để thầy cô biết được sự lợi hại của học trò thời đại số? Để thầy cô phải trả giá cho hành động của mình? Không dám trực tiếp bày tỏ cảm xúc với hành vi của giáo viên mà phải mượn đến Internet?...

Lang thang qua các diễn đàn, đọc những nhận xét về các clip thầy cô chửi học trò mà đau lòng: "Bà cô này cứ như dân chợ búa! Cho nghỉ việc được rồi!", "Giáo viên hay... bán cá chợ trời?", "Không giống cô giáo tí nào. Ngôn ngữ hàng chợ cá mà"...

Sự đúng sai trong hành xử của giáo viên rồi cũng sẽ được phân định. Nhưng chuyện những cô cậu học trò ghi hình thầy cô rồi tung lên mạng là đúng hay sai, có nên đưa điều này vào nội quy nhà trường... thì dường như cộng đồng vẫn còn lúng túng và có lẽ còn tranh cãi dài.

Thay đổi, phát triển là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng khi chính học trò chủ động để thiết bị số và Internet "nhảy bổ" vào quan hệ thầy - trò (mối quan hệ vốn chưa bao giờ suy giảm sự thiêng liêng trong tâm thức người Việt) khiến quan hệ ấy phần nào "kéo mây mù" thì thật đáng tiếc và đáng lo ngại.

Chẳng lẽ học trò phải ẩn mình vào thế giới mạng mới dám bày tỏ sự không hài lòng với những hành vi của thầy cô?

GIA BẢO (Q.7, TP.HCM

Lòng nhân ái có phải là chuyện ngày xưa?

Tên : Ngô Thị An Khương

Lớp :10a8 STT:15

--------------------------
Bài làm

“ Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn”

Qua câu thơ tren ta cũng hiểu hơn về tình yêu với mọi người . tuy mỗi người 1 màu da ,1 quốc tịch khác nhau nhưng khi có mặt trên cuộc đời này thỳ đều là anh em. Phải tương trợ cho nhau không làm hại lẫn nhau .Từ đó người ta gọi chung là lòng nhân ái .

Vậy lòng nhân ái là gì nhân là cốt lõi của nhân cách ., là sự nhận biết rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình. Lòng nhân ái khai sinh, không phải từ nỗi băn khoăn người khác nghĩ gì về mình, mà từ nhận thức đơn giản rằng, lòng nhân ái tự nó là quà tặng cho mọi người, và nguồn suối ngọt ngào đó ở nơi ta.

Với những người có lòng từ ái bao dung thì cả vũ trụ này là quê nhà yêu dấu, và tất cả mọi người dù là những kẻ bệ rạc nhất cũng đều là những người anh em đáng được hưởng tình yêu thương. Không có gì có thể ngăn cản được lòng nhân ái đích thực để làm nên một cuộc sống an vui cho con người. Kiêu căng, ích kỷ, oán ghét, hận thù... cũng sẽ tiêu tan trước sức mạnh của lòng nhân ái. Ví dụ : Lòng nhân ái của Đức Giêsu làm cho Ngài có thể đi vào trong mối quan hệ với từng người và với tất cả: những người đau ốm và những người khốn khổ, những người nghèo cũng như những kẻ giàu có, những người quyền thế cũng như những người bị áp bức, những người tội lỗi cũng như những người lành thánh. Mặc dù Ngài tiếp xúc với đám đông quần chúng, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cẩu riêng tư của họ .Ngai đã cố gắng giúp dỡ họ với tất cả những gì mình có được

Tuy nhiên ngày nay giới trẻ không còn nhiều người có được lòng nhân ái . Thay vào đó là những bài đăng đánh nhau đầy rẫy trên các bài báo trên mạng đó là những hành động ma` xã hội cần lên tiếng . Làm nhưng vậy thỳ thật sự chúng ta đã thành những con thú hoang dã .Nó sẵn sàng “ ăn thịt” đồng loại của mình . Ví dụ: có 2 người bạn đã từng rất thân với nhau sẵn sàn làm mọi thứ cho nhau , tính tình họ cũng rất thích hợp chơi với nhau ,. Nhưng bạn bè nào lại không có lúc cãi vã nhau , mà đã đi nói xấu người bạn kia không chút nệ hà . Rồi có ngày những lời nói xấu đến tay của người bạn kia .Do không kiềm chế được cơn giận mòa đã dẫn đến đánh nhau. Tại sao chúng ta không lấy lòng nhân ái của mình để xóa tan nỗi mâu thuẫn mà phải dùng đến các hành động như vậy. Như vậy tình bạn ta sẽ không rạn vỡ , mà ngày càng khắng khích nhau hơn . Vậy không phải là 1 điều tốt hay sao? Qua đó ta rút ra được bài học rằng hãy sống mà nhìn đời qua lòng nhân ái mà đừng nhìn cuộc đời qua sự hận thù . Hãy trải lòng bao dung của mình lên mọi người để mọi người sẽ cố gắng trải lòng bao dung lên chúng ta và những người khác.

Thế nên với tư cách là người chủ tương lai của đất nước , trụ cột của nước nhà chúng ta hãy sống và đối xử với nhau thật tốt gieo giắt lòng nhân ái của mình lên mọi người . Và khuyến cáo những bạn có hành động đánh nhau , nói xấu bạn , làm những chuyện mà người khác không thích sau lưng họ hòng để gây ra mâu thuẫn với nhau , thỳ hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người đó xem mình như thế nào nếu điều đó làm tổn thương cho bản thân mình thỳ diều đó cũng làm tổn thương cho người khác .Nếu ta cho đi tình yêu thương thỳ ta cũng sẽ nhận được bấy nhiêu lòng yêu mến của mọi người cho ta .

Lòng nhân ái là sức mạnh của lòng yêu thương, nó bắt nguồn từ trái tim của mỗi con người VN. Có bao nhiêu cũng san sẽ và giúp đỡ bấy nhiêu. Ngày càng yêu thương nhau nhiều hơn. Để một ngày nào đó xã hội chúng ta sẽ trở nên văn minh hơn , mọi người sẽ ngập tràn niềm vui do chúng ta luôn biết cho đi lòng nhân ái.

Ba ngọn nến lung linh

Tên:Nguyễn Đăng Tường Vy

Lớp:10a8

Hiếu Thảo
-------------------

Ba là cây nến vàng,mẹ là cây nến xanh,con là cây nến hồng.ba ngon nến lung linh thắp sáng một gia đình.Lời bài hát vang lên cho ta cảm giác gia đình nơi có cha mẹ bên cạnh là nơi luôn cho ta những điều ấm áp,tuyệt vời nhất.Nhờ có sự chăm sóc,dạy dỗ của cha mẹ mà con cái mới có thể lớn lên và phát triển tốt nhất.Vì thế mà con cái cần hiếu thảo với bố mẹ cho đúng với đạo làm con và để đền đáp công ơn của bố mẹ.

Cha mẹ là những người đã sinh ra ta,nuôi dưỡng chăm sóc ta đến khi trưởng thành.Cha mẹ là người đã dành cho ta biết bao tình cảm yêu thương,là người đã che chở đùm bọc ta.Hơn thế nữa,vòng tay luôn dang sẵn chờ đón ta mỗi khi ta thất bại trên đường đời không vòng tay nào khác ngoài vòng tay mẹ cha.Khi ta phạm lỗi thì người sẵn sàng tha lỗi cho ta cũng chính là cha mẹ.Ta đã nhận được nhiều thứ như thế từ cha mẹ và bổn phận của ta là phải hiếu thảo của cha mẹ để đền đáp lại những gì ta được nhận ấy.

Hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là việc làm của những đứa con mà nó còn là truyền thống quý báu của người Việt Nam.Từ xa xưa,ông bà ta đã có những câu ca dao về dạy con cháu phai hiếu thảo biết đến công ơn cha mẹ như :”Công cha nặng lắm ai ơi, Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”Qua những câu ca dao ấy ta thấy được rằng công ơn cha mẹ lớn lao như trời biển vì thế mà trên thế gian này không có tình cảm nào to lớn và cao đẹp hơn tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.Biết ơn đối với những người giúp đỡ ta,cảm ơn với những ai cho ta thứ gì đó là một trong những bài học đầu tiên mà đứa trẻ được day.Bởi thế những đúa con bất hiếu,không biết biết ơn những gì chúng nhận được từ bố mẹ mình mà còn đối xử tệ bạc với người mà lẽ ra chúng phải mang ơn ấy thì chúng cũng sẽ bị mọi người xung quanh đối xử tệ bạc như thế,những người ấy sẽ không thể thành công được.Gia đình là tế bào của xã hội nếu trong gia đình những đứa con biết thương yêu hiếu thảo với cha mẹ mình là cốt lõi của tình yêu thương trong xã hội.

Hiếu thảo với cha mẹ là một điều nên làm nhưng trên thực tế có những đứa con thờ ơ với việc bố mẹ chúng ngày đêm cực khổ làm lụng vất vả để lo cho chúng có cuộc sống tốt chúng chẳng những không biết ơn mà còn vòi vĩnh ở bố mẹ nhiều điều và xem đó là nghĩa vụ đương nhiên của bố mẹ.Bố mẹ là quà tặng quý giá,là niềm vui kì diệu,là người luôn soi sang ta

trên mỗi bước đường đời,thật đáng buồn cho những ai không có bố mẹ,không được nhận những điều quý giá ấy.Nhưng đáng buổn và phê phán hơn là những ai muốn sống tách biệt gia đình vì những lợi ích riêng của cá nhân,vì muốn đươc tư do không chính đáng.Những tưởng sống tách biệt gia đình hay việc không biết quý trọng cha mẹ là những điều đáng phê phán,cần xóa bỏ.

Bổn phận là con cái,là người được nhận những điều tốt đẹp từ cha mẹ,em cũng có cho riêng mình những việc làm để đền đáp công ơn lớn lao của cha mẹ.Tuổi nhỏ làm việc nhỏ theo sức của mình.Là học sinh còn ngổi trên ghế nhà trường không thể mang lại cho cha mẹ những niềm vui từ vật chất nhưng em sẽ chăm chỉ học tập để đạt được những kết quả học tập thật tốt làm vui lòng cha mẹ.Em sẽ yêu thương,quan tâm hơn nữa đến cha mẹ mình bằng những việc đơn giản như giúp mẹ quét nhà,gấp quần áo hay cùng bố chăm sóc vườn hoa làm được những việc làm đơn giản ấy em không chỉ thể hiện được lòng hiếu thảo với bố mẹ mà qua đó nó còn giúp em hiểu thêm hơn về bố mẹ.Mỗi dịp lễ tết,đơn giản là dành cho bố mẹ tấm thiệp chúc mừng thì nó đã thay em thể hiện lòng hiếu thảo với bố mẹ mình.

Ai có bố mẹ,có gia đình là những người hạnh phúc nhất,bởi gia đình nơi có bố mẹ là tổ ấm là nơi đi về của mỗi gia đình non trẻ.Mỗi người trong chúng ta hãy hiếu thảo với bố mẹ nâng niu,yêu quý bảo vệ gia đình thân yêu của chúng ta như câu ca dao mà ta được nghe từ thưở nhỏ:”mỗi năm mỗi thắp đèn trời,cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Tài -Đức trong xã hội hiện nay

Tên: Nguyễn thanh Tuyền

Lớp: 10a8 Năm học:2010_2011

Stt:040
-----------------------------


Trong xã hội hiện nay, ta thấy thật khó kiếm được những người vừa có tài mà lại vừa có đức .Hầu hết thì những người có tài thì không có đức và ngược lại .

Vậy “tài và đức” là gì? Tài là tài năng, năng lực, kỹ năng kỹ xảo của con người trong lao động. Tài là kết quả của nhiều yếu tố : năng khiếu bẩm sinh, bản chất thiên phú, sự cần cù trong học tập, sự chăm chỉ rèn luyện trong lao động và cuộc sống. Tài biểu hiện trong lao động chân tay và lao động trí óc.

Đức là đạo đức, phẩm chất đạo đức, nhân cách của một con người. Đức là kết quả của nhiều yếu tố: môi trường sinh sống,sự học tập trong gia đình, nhà trường xã hội, công phu trau dồi, tu dưỡng bản thân và được soi sáng bởi một lý tưởng. Đức biểu hiện trong suy nghĩ, lời nói, hành động của con người và trở thành một lẽ sống đẹp. Như vậy giữa ‘tài’ và “đức” có mối liên kết khắng khít với nhau.

Nhưng có tài mà không có đức là người không trọn vẹn. Họ có thể được nhiều người nể phục. Nhưng họ dễ trở nên kiêu căng, ngạo mạn, độc ác, dễ trở thành kẻ xấu xa, nguy hiểm cho gia đình, xã hội, con người (người con bất hiếu, học trò bất xứng, công dân phạm pháp).Họ còn chính là những mầm móng gây hại cho mọi người xung quanh và cả bạn bè , gia đình thân thiết với họ
Có đức mà không có tài cũng là người không trọn vẹn. Người có đức thường được mọi người kính trọng. Nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành được nhiệm vụ được giao và khó có kết quả cao trong công việc.
Đức và tài có quan hệ gắn bó nhau. Đức là nền tảng giúp cho tài bay cao vững chắc. Thiếu đức, tài sẽ giống như quả bóng không được sợi dây níu giữ lại: quả bóng càng bay cao càng dễ vỡ, quả bóng mang độc tố càng bay cao càng nguy hiểm. Đức giúp tài được nâng cao giá trị của sự tài ba. Có tài, tấm gương sáng của đức lại càng thêm tỏa sáng.
Trước đây, ông cha ta quan niệm tài và đức là duyên và hồng. Hồ chủ tịch cũng từng nói : có tài mà không có đức thì vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Người có đức có tài là người cao quý, là hiền tài, luôn được mọi người yêu quý và kính trọng , và cũng là vốn quý của quốc gia.

Về nhận thức: ta thấy được mối quan hệ gắn bó khắng khít giữa tài và đức. Ngày nay, tài là kỹ năng nghề nghiệp, óc sáng tạo, đức là phẩm chất của người Việt Nam yêu nước, yêu người, phấn đấu cho lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Về tình cảm: tình cảm làm cơ sở cho sự rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng cho đức và tài là tình cảm chân thật yêu nước, yêu người.
Nói tóm lại, giữa “tài” và”đức’ như hai anh em với nhau .Nếu ta có quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bản thân trở thành người thật sự có tài, có đức để góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Hiếu Thảo - Một trong những đạo lý làm người không thể thiếu

Tên: Huỳnh Ngọc Minh Thư STT:36

Lớp : 10a8
----------------------
Bài làm

Trong cuộc sống,con người cần nhiều đức tính tốt và một trong số đó ,hiếu thảo là đức tính không thể thiếu ở mỗi con người,nó thể hiện bản chất con người của bạn.Vậy đức tính hiếu thảo là gì ?

Hiếu là hiếu nghĩa,biết ơn người sinh thành dưỡng dục mình,biết cung kính bề trên.
Thảo là mở tấm lòng mình ,biết chia ngọt sẻ bùi với người thân nói riêng,với nhân loại nói chung.Tóm lại lòng hiếu thảo là sự biết ơn,là việc làm có nghĩa của người bên dưới cung kính tôn trọng và phụng sự đáp đền chân thật đối với bề trên .

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

”Công cha..”;”núi Thái Sơn” là một ngọn núi cao và hùng vĩ ở Trung Quốc, “nước trong nguồn” là nước chảy từ đầu nguồn và không bao giờ cạn. Cha mẹ sinh ra con,nuôi con khôn lớn để mau thành người.Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật la vô tận,công lao ấy chỉ có thể sánh với núi sông hùng vĩ và truờng cửu mà thôi .Mượn hai hình ảnh ấy, ông cha ta ngày xưa muốn ca ngợi công ơn sinh thành vĩ đại bao la của cha mẹ ,nhắc nhở chúng ta dù thế nào đi nữa thì chữ hiếu cũng phải được giữ gìn trọn vẹn.

Lời khuyên ấy đã được lưu truyền qua bao nhiều thế hệ nối tiếp nhau,lòng hiếu thảo đối với cha mẹ là một điều đúng đắn đối với ngàn đời.Chín tháng cơ cực mẹ rồi phải chịu đau, chịu khổ để có thể nuôi ta khôn lớn.Cha thì phải làm lụng vất vả để tạo nên những món qùa vật chất lẫn tinh thần,mang đến cho ta nhưng bất ngờ thú vị trong cuộc sống.Chúng ta lớn lên trong sự dưỡng dục,vòng tay nâng niu và sự thuơng yêu ,lo lắng của cha mẹ,công lao ấy không có một từ nào có thể diễn tả được.Cha mẹ đã hết lòng vì ta thế nên bổn phận làm con chúng ta phải chân thành biết ơn và tôn kính cha mẹ.

Lòng hiếu thảo,biết ơn cha mẹ được biểu hiện không chỉ là thái độ,lời nói mà phải là những việc làm.Nói mà không làm được gì cho những người có công ơn sinh ra ta thì cũng chẳng đền đáp được gì thế nên quan trọng nhất là chúng ta biết xử sự và những việc làm đầy ý nghĩ của chúng ta đối với họ.Một hành động nhỏ thôi như là quan tâm ,chia sẽ về những nỗi niềm của họ hay chỉ là một lời nói lễ phép, một thái độ vâng lời cũng có thể làm cho họ cảm thấy ấm lòng.Những công lao cha mẹ bỏ ra không bao giờ tính từng đồng,từng cắt,từng năm,tháng họ đã bỏ công sức ra nuôi nấng ta khôn lớn thế nên chúng ta chỉ có nghĩa vụ chăm lo cho họ,phụng dưỡng đến lúc về già,chăm sóc và sẵn sàng làm mọi điều vì họ,nhưng dù làm đến đâu thì cũng không bằng công sức họ đã bỏ ra như biển trời dành cho chúng ta được.

Ngoài những đứa con có tấm lòng hiếu thảo ra thì cũng không ít người lại xem chữ hiếu chẳng ra gì,xem đó như là một cách thể hiện lạc hậu. Đối với họ cha mẹ chẳng là gì,chỉ là người sinh ra họ và đưa tiền cho họ dùng hằng ngày. Đáng xấu hổ hơn là những đứa con vô ơn đấy lại gây ra vô vàn những chuyện đau lòng đến cha mẹ như đối xử tệ bạc ,sai khiến cha mẹ làm theo những điều mình muốn,xem cha mẹ không ngoài gì là một kẻ osin ở nhà, cãi lời cha mẹ,làm cho cha mẹ phải buồn lòng. Đó là những biểu hiện đáng phê phán .Từ những biểu hiện đó mà xã hội ta lại càng có nhiều người không tốt, ở gia đình không đối xử tốt đối với cha mẹ thì làm sao ra xã hội xứng đáng làm một người công dân tốt được.

Là một học sinh,chữ hiếu luôn đặt lên hàng đầu ,thế nên bằng những hành động nhỏ nhặt của mình như rửa chén,lau nhà và các công việc nhà đủ sức mình củng có thể làm cho cha mẹ vui lòng,ngoài hành động đó ra,việc học tốt cũng là một công việc đền đáp công ơn cha mẹ, tuy đó là một việc dễ làm nhưng lại làm cho cha mẹ cảm thấy được công ơn của mình cũng được đền đáp.

Nói chung, hiếu thảo là việc mà người con nào cũng phải làm đối với cha mẹ mình thế nên phải biết thực hiện một cách hiệu quả và tất nhiên là phải có những biểu hiện hiếu thảo của mình đối với cha mẹ,thế mới xứng với những gì cha mẹ đã làm cho mình.

Cảm nhận "Độc Tiểu Thanh Kí" của Nguyễn Du

Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, ông là nhà thơ hiện thực và nhân đạo lớn nhất trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX .Ông k không chỉ nổi tiếng với “Truyện Kiều” mà ông còn là nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán điêu luyện “Thanh Hiên thi tập” là một trong những sáng tác bằng chữ Hán thể hiện tình cảm sâu sắc của Nguyễn Du với thân phận con người (nạn nhân của chế độ phong kiến).
Trong đó, Độc Tiểu Thanh ký là một trong những sáng tác đưọc nhiều người biết đến, thể hiện sâu sắc tư tưởng Nguyễn Du và làm người đọc xúc động vì tình cảm nhân đạo cao cả của nhà thơ. Độc Tiểu Thanh ký có nghĩa là “đọc tập Tiểu Thanh ” của nàng Tiểu Thanh. Đó là người con gái có thật, sống cách Nguyễn Du ba trăm năm trước ở đời Minh (Trung Hoa). Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh, nhiều ý kiến cho rằng nàng là người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền . Vốn thông minh nên từ nhỏ nàng đã thông hiẻu các môn nghệ thuật cầm kì thi hoạ, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tình hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nhưng đau khổ muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần Dư. Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du.
Cảm hứng xuyên suốt toàn bài được diễn tả trong khuôn khổ cô đúc của thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Nguyễn Du khóc người cũng để tự thương mình. Dù là cảm xúc về một cuộc đời bất hạnh đã cách ba trăm năm, nhưng thực chất cũng là tâm sự của nhà thơ trước thời cuộc.

Hai câu mở đầu của bài thơ giúp người đọc hình dung ra hình ảnh của nhà thơ trong giờ phút gặp gỡ với tiếng lòng của Tiểu Thanh :
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
(Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn)
Hai câu thơ dịch đã thoát lên ý nguyên tác nên làm giảm đi phần nào hàm ý súc tích của câu thơ chữ Hán. Nguyễn Du không nhằm tả cảnh đẹp Tây Hồ mà chỉ mượn sự thay đổi của không gian để nói lên một cảm nhận về biến đổi của cuộc sống. Cách diễn đạt vừa tả thực vừa gợi ý nghĩa tưọng trưng. “Tây hồ hoa uyển” (vườn hoa Tây Hồ) gợi lại cuộc sống lặng lẽ của nàng Tiểu Thanh ở vưòn hoa cạnh Tây Hồ – một cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Hoa. Nhưng hàm ý tượng trưng được xác lập trong mối quan hệ giữa “vườn hoa – gò hoang”. Dường như trong cảm quan Nguyễn Du, những biến thiên của trời đất đều dễ khiến ông xúc động. Đó là nỗi niềm “bãi bể nương dâu” ta đã từng biết ở Truyện Kiều. Nhìn hiện tại để nhớ về quá khứ, câu thơ trào dâng một nỗi đau xót ngậm ngùi cho vẻ đẹp chỉ còn trong dĩ vãng.
Trong không gian điêu tàn ấy, con người xuất hiện với dáng vẻ cô đơn, như thu mọi cảm xúc trong hai từ “độc điếu”. Một mình nhà thơ ngậm ngùi đọc một tập sách (nhất chỉ thư). Một mình đối diện với một tiếng lòng Tiểu Thanh ba trăm năm trước, câu thơ như thể hiện rõ cảm xúc trang trọng thành kính của Tiểu Thanh. Đồng thời cũng thể hiện sự lắng sâu trầm tư trong dáng vẻ cô đơn. Cách đọc ấy cũng nói lên được sự đồng cảm của nhà thơ với Tiểu Thanh, “điếu” là bày tỏ sự xót thương với người xưa. Không phải là tiếng “thổn thức” như lời thơ dịch, mà nước mắt lặng lẽ thấm vào trong hồn nhà thơ.
Hai câu thực đã làm sáng tỏ cho cảm giác buồn thuơng ngậm ngùi trong hai câu đề :
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)
Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Theo quan niệm xưa, “son phấn” – vật trang điểm của phụ nữ có tinh thần vì gắn với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Cả hai câu thơ cùng nhằm nhắc lại bi kịch trong cuộc đời Tiểu Thanh là một cuộc đời chỉ còn biết làm bạn với son phấn và văn chương để nguôi ngoai bất hạnh của mình .
Mượn vật thể để nói về người. Gắn với những vật vô tri vô giác là những từ ngữ chỉ cho tính cách, số phận con người như “thần” và “mệnh”. Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về những bất hạnh của kiếp người qua số phận của Tiểu Thanh. Kết cục bi thảm của tiểu Thanh xuất phát từ sự ghen tuông, lòng đố kỵ tài năng của người đời. Dù chỉ là những đồ vật vô tri vô giác thì chúng cũng phải chịu số phận đáng thương như chủ nhân : son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Hai câu thơ đã gợi lên sự tàn hẫn của bọn người vô nhân trước những con người tài hoa. Đồng thời, cũng thể hiện nhận thức của Nguyễn Du vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời của khách “hồng nhan bạc phận”, gắn với quan niệm “tài mệnh tương đố” của Nho gia. Vật còn như thế, huống chi ngưòi! Vượt lên trên những ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh là cả tấm lòng giàu cảm thương của Nguyễn Du.
Từ số phận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát thành cái nhìn về con người trong xã hội phong kiến qua hai câu luận :
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang)
Nỗi oan của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng nàng mà còn là kết cục chung của những người có tài từ “cổ” chí “kim”. Nhà thơ gọi đó là “hận sự”, một mối hận suốt đời nhắm mắt chưa yên. Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời “khó hỏi trời” (thiên nan vấn). Câu thơ đã giúp ta hình dung rõ cuộc sống của những nạn nhân chế độ phong kiến, dồn nén thái độ bất bình uất ức ủa nhà thơ với thời cuộc, đồng thời cũng thể hiện một sự bế tắc của Nguyễn Du.
Khóc người để thương mình, cảm xúc đồng điệu đã làm thành câu thơ bất hủ “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Ta tự cho mình cũng ở trong số những kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Ở đó là tình cảm chân thành đồng điệu của Nguyễn Du, cũng thể hiện tầm vóc lớn lao của chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu của ông.
Không phải chỉ một lần nhà thơ nói lên điều này. Ông đã từng hóa thân vào nàng Kiều để khóc thay nhân vật, ông đã từng khẳng định một cách đầy ý thức “thuở nhỏ, ta tự cho là mình có tài”. Cách trông người mà ngẫm đến ta ấy, trong thi văn cổ điển Việt Nam trước ông có lẽ hiếm ai thể hiện sâu sắc như vậy. Tự đặt mình “đồng hội đồng thuyền” với Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã tự phơi bày lòng mình cùng nhân thế. Tâm sự chung của những ngưòi mắc “kỳ oan” đã đưọc bộc bạch trực tiếp mạnh mẽ trong tiếng nói riêng tư khiến người đọc cũng không khỏi ngậm ngùi. Tâm sự ấy không chỉ của riêng Nguyễn Du mà còn là nỗi niềm của các nhà thơ thời bấy giờ.
Khép lại bài thơ là những suy tư của Nguyễn Du về thời thế :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hà hà nhân khấp Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Ngưòi đời ai khóc Tố Như chăng)
Khóc cho nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu, dòng suy tưởng đã đưa nhà thơ đến ba trăm năm sau cùng một mối hồ nghi khó giải tỏa. Tiểu Thanh còn có tấm lòng tri kỷ của Nguyễn Du tìm đến để rửa những oan khiên bằng giọt nưóc mắt đồng cảm. Còn nhà thơ tự cảm thấy sự cô độc lẻ loi trong hiện tại. Câu hỏi người đời sau ẩn chứa một khát khao tìm gặp tấm lòng tri âm tri kỷ giữa cuộc đời. (Đó cũng là tâm trạng của Khuất Nguyên – “người đời say cả một mình ta tỉnh”, cách Nguyễn Du hai nghìn năm; của Đỗ Phủ, cách Nguyễn Du một nghìn năm : “Gian nan khổ hận phồn sương mấn”)
Nhà thơ tự thể hiện mình bằng tên chữ “Tố Như” không phải mong “lưu danh thiên cổ” mà chỉ là tâm sự của một nỗi lòng tha thiết với cuộc đời. Câu thơ còn là tâm trạng bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc. Khóc ngưòi xưa, nhà thơ tự khóc cho chính mình, giọt lệ chảy quanh kết lại một bóng hình Nguyễn Du, lặng lẽ cô đơn khiến người đọc phải se lòng khi ngẫm đến những nỗi đau thấm thía và dày vò tinh thần của những ngưòi tài hoa phải sống trong bóng đêm hắc ám của một xã hội rẻ rúng tài năng.
Đã hơn ba trăm năm trôi qua, bài thơ của Nguyễn Du vẫn còn lưu giữ một tấm lòng với con người sâu sắc và chân thành. Đó là tình cảm không biên giới, vượt thời gian, xuất phát từ gốc rễ “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.
Không phải đợi đến ba trăm năm sau, ánh sáng của thời đại mới đã làm sáng mãi tên tuổi của Nguyễn Du trong lòng dân tộc, tên tuổi Tố Như đã làm vinh danh dân tộc Việt Nam. Cuộc sống đã đổi thay, niềm vui của dân tộc đang nhân lên trước cánh cửa vào thế kỷ XXI, thế nhưng chúng ta vẫn trân trọng và cảm thông nỗi buồn của Nguyễn Du , nỗi buồn thời đại quá khứ. Thời đại mới giải tỏa cho những bế tắc của Nguyễn Du và thời đại của ông, tiếp thu tinh thần nhân bản dân tộc ấy .

Tình nghĩa Thầy -Trò

ĐỀ: Nghị luận về tình nghĩa thầy trò
BÀI LÀM
Quan niệm: “ tôn sư trọng đạo” là quan niệm tồn tại có từ xưa đến nay, nó là cách thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của người học trò đối với thầy của mình, cũng chính vì thế mà tình nghĩa thầy trò là điều không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người ,nhất là trong cuộc dời học sinh của mỗi chúng ta.
Thật vậy, tình nghĩa thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống này bởi nó không hề dựa trên bất cứ một hình thức trục lợi nào. Nó chân thật và thanh khiết vô cùng. Tình nghĩa là gì ? Nó là cảm xúc chân thật , là tình thương, là lòng biết ơn và yêu quý giữa hai con người với nhau, tình nghĩa thầy trò là tình cảm giữa thầy với trò xuất phát từ tấm lòng. Thầy dạy dỗ, truyền đạt kiến thức và giúp đỡ học sinh học tập cũng như rèn luyện nhân cách và phẩm chất của người học sinh. Học trò dành tình cảm, lòng biết ơn cũng như thái độ kính trọng của mình dành cho thầy. Những cái đó chính là tình nghĩa thầy trò.
Tình nghĩa thầy trò không chỉ được thể hiện trong giảng đường mà còn cả ở bên ngoài,nó thiêng liêng và vô cùng cao cả. Thầy là người yêu thương, day dỗ hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy luôn tận tâm và là người dẫn đường cho tri thức của ta, cũng chính nhờ có thầy mà mỗi học sinh chúng ta có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy vừa là ngừoi cha,vừa là người mẹ ,vừa là ngừơi bạn tốt mà mỗi người học sinh chúng ta cần phải có, cần phải biết quý trọng trong cuộc sống này. Đã có biết bao tấm gương về những người thầy vượt khó, vượt lên trên tất cả những hoàn cảnh khắc nghiêt của cuộc sống nhưng vẫn yêu nghề , yêu học sinh tận tâm với công việc. Đó chính là cái tình của người thầy dành cho trò của mình. Còn học trò là người tiếp nhận cái tình đó, tiếp nhận cái tri thức đó, để rồi tự nhận thức được những tình cảm của thầy dành cho mình, mà cố gắng học tập. Thầy là người không đòi hỏi bất cứ những gì ở học trò của mình chỉ mong rằng học trò của mình có thể thành tài và trở thành một con người tốt cho xã hội. Người học trò là người nhận được biết bao tình yêu thương của thầy dành cho , cũng chính vì thế mà ở mỗi học trò cũng đều cảm nhận được tấm lòng cao cả ấy và trả lại bằng những tình cảm trong sáng, thiết tha của bản thân dành cho thầy. Cái tình cảm giữa thầy và trò là cái tình cảm thiêng liêng nhất trên cõi đời này. Cố gắng học thật giỏi, luôn kính trọng và yêu quý thầy của mình là cái nghĩa tối thiểu nhất mà mỗi học sinh chúng ta cần phải có. Như CHU VĂN AN, một người thầy của mọi thời đại, ông không chỉ là một người thầy bình thường mà đối với những người học trò của ông, ông còn là một người cha đáng kính, người đã dạy dỗ biết bao nhân tài cho đất nước. Học trò của ông toàn là những vị quan to nhưng khi nói chuyện với ông đều rất cung kính, lễ phép, và kính nễ ông. Đó chính là tình nghĩa giữa thầy với trò, mặc dù không còn dạy mình nhưng người xưa đã có câu: “ Nhất tự vi sư , bán tự vi sư”. Một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy. Đã dạy dỗ mình thì suốt đời cũng là thầy, mãi mãi luôn khắc ghi trong tim. Những người biết kính trọng thầy của mình thì sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, còn những người không biết quý trọng thầy của mình là những người tự hạ thấp bản thân , thầy như cha như mẹ của mình, là người dạy dỗ và quan tâm mình, thế mà không biết yêu quý kinh trọng thì mãi mãi chằng bao giờ trở thành những người tốt được.
Bên cạnh những người biết kính trọng và yêu quý thầy của mình thì lại có những loại người ăn cháo đá bát, người đã tận tâm dạy dỗ mình thế mà giờ đây lại thiếu lễ phép, không biết kính trọng thầy của mình. Thử hỏi loại người như vậy thì làm sao có thể trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước này. Trong môi trường học đường ngày nay, có những học sinh tuy đã được dạy dỗ đàng hoàng thế nhưng thật sự lại chẳng hiểu biết gì. Người thầy là người đã lấy cả tâm huyết , cố gắng dạy bảo ta, vậy mà những học sinh ấy lại có những hành động và thái độ vô cùng thiếu lễ phép, ngang nhiên dám cãi lại những gì thầy cô đã nói. Liệu những người học sinh như vậy có đáng nhận được sự yêu thương, dạy dỗ từ thầy cô hay không? Khi hành động như vậy, những học sinh ấy có suy nghĩ hay không?Có biết rằng những việc đó , làm tổn thương đến người khác mà nhất là đối với người yêu thương mình , dạy dỗ cho mình, muốn mình nên người. Không có việc gì đáng buồn hơn chính là việc ấy.
Qua những suy nghĩ trên, em đã rút ra được một bài học cho bản thân, chính là phải biết luôn luôn yêu quý và kính trọng thầy cô, những người yêu thương, dạy dỗ ta, hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp. Mỗi người chúng ta phải khắc ghi câu thành ngữ: “tôn sư trọng đạo”. Bởi tình nghĩa thầy trò chính là thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trên đời này.Bản thân mỗi học sinh phải cố gắng học thật giỏi, nghe lời thầy cô chăm chỉ học tập, đó củng là cách để thể hiện tình cảm với thầy của mình.
Tình nghĩa thầy trò , mỗi người phải luôn khắc ghi, bởi nó rất quan trọng với cuộc đời của mỗi con người trong suốt thời học sinh . Yêu thương kính trọng thầy chính là yêu thương kính trọng cha mẹ của mình. Là thể hiện bản thân của một con người có nhân cách, có đạo đức và phẩm chất . “Trọng thầy mới được làm thầy”.
-------------------------------

TÊN: NGUYỄN LÊ NGỌC ÁNH_STT: 02
LỚP: 10A8

Cảm nhận về "Cảnh ngày hè" của Nguyễn Trãi

--------------------------------------------------------------------------------

"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hoè lục đùn đùn tán rợp gương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương."


Bài thơ 8 câu 54 chữ gồm một bức tranh cảnh ngày hè - 6 câu đầu và một lời bình, suy ngẫm từ bức tranh ấy - 2 câu cuối.

Trong bức tranh đậm màu, nền trời chiều ráng đỏ, một ngôi lầu vắng lặng, cây hoè cổ thụ ngoài sân tán xanh thẫm, che rợp, bên hiên nhà cây thạch lựu sắc đỏ. Vài ba chú ve trên các cành cây. Ao sen hồng và xa xa là làng chài đang họp chợ. Có một người ngồi trên lầu trâm ngâm.

Xem tranh, trước hết ta thấy một tư thế của con nguời ngồi đó. Câu mở đầu “hóng mát” - ngoạn cảnh nhàn nhã, thảnh thơi.

Nên nhớ, đây là bức tranh thơ của vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời, từng “đau lòng nhức óc” vì vận nước từng cùng Lê Lợi “dựng cầu trúc ngọn cờ phấp phới”, và sau này sắm vai ẩn sĩ mà tấm lòng vì dân nước không lúc nào yên “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Đặt trong nỗi truân chuyên của cuộc đời Nguyễn Trãi, mới thấy quí cái giây phút ngắn ngủi hiếm hoi này, mới thấy cái tư thế ung dung thưởng ngoạn kia là sự hưởng thụ chân chính. Sau tư thế ấy, thấy cả cái không khí yên bình của cả một làng quê, đất nước vừa qua cơn binh lửa.

Con người này có ánh mắt tinh tế, say mê. Người ngắm cảnh có đôi mắt rất sành : 3 loại cây, 3 dáng vẻ, không trùng lặp. Tả cây, mà lộ ra khuôn mặt của mùa hè. Cây hoè : tán xanh xum xuê, toả rộng - sức sống vươn cao. Thạch lựu : sắc đỏ - rực rỡ của tố chất khoẻ mạnh. Sen hồng : đậm hương - tâm hồn nồng hậu, thanh cao. Ba loại cây, ba dáng vẻ, ba màu sắc nữa (xanh, đỏ, hồng) đều có hồn. Ngôn ngữ của thơ thay cho chất liệu màu của họa là lời nói sống động của đời thường. Chữ “đùn đùn” khiến ta cảm nhận được sự sống đang nảy nở mạnh mẽ, trông thấy được bằng mắt thường. Chữ “phun” còn lạ hơn. Không tả hoa đỏ, mà cảm nhận cây lựu đang phun, đang tuôn ra sắc đỏ. Sen hồng cố đậm hương. Con ve kia cũng gắng hết sức trong những tiếng kêu cuối cùng. Chợ ở làng chài đang náo nhiệt nên vọng xa lao xao... Chỉ là Bức tranh phong cảnh ư ? Không phải ! Đấy là Bức tranh đời. Ở đó tạo vật và con người đều dang sống hết sức mình, sống rất nhiệt tâm, băng mình trong trường tranh đấu sống.

Ta bất ngờ nhận ra điều kì lạ. Con người hoạ sĩ trong thi nhân Nguyễn Trãi thế kỉ XV ở Việt Nam có gì rất gần gũi đại danh hoạ Hà Lan thế kỉ XIX, Vanh-xăng-Van-gốc. Không phải ở những sắc màu được sử dụng, mà ở cách diễn tả nó. Van-gốc vẽ đồng lúa ta cứ ngỡ cánh đồng bốc cháy. Hàng cây bên đường cũng quằn quại vệt lửa. Van-gốc đốt cháy mình trong tranh. Nguyễn Trãi đốt cháy mình trong thơ. Chữ “đùn đùn”, “phun”, "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi" là lửa sống rừng rực trong lòng Ức Trai mặc cho do thời thế ông đang phải lui về quy ẩn "Rồi, hóng mát thuở ngày trường".

Trong bức tranh này, thính giác nhậy bén đã giúp Nguyễn Trãi “vẽ” cảnh bằng nhạc. Xa xa, chợ cá không rõ hình, song âm thanh “lao sao” chở hồn đến cho người đọc cái rộn ràng nhộn nhịp, náo nhiệt của cuộc sống thanh bình. Nếu “lao sao” là khúc hoà tấu của đời sống dân sinh, thì “dắng dỏi cầm ve” tấu lên âm thanh của cây đàn độc huyền, ngân lên thiết tha cuối chiều, vấn vương nét quí tộc, lầu cao đơn độc. Hai phong điệu dân dã và quí tộc hoà hợp, bởi chất keo dính của đời thường, đậm đà hơi thở sống.

Cho nên vẽ bức tranh này đâu chỉ là chuyện của giác quan chuyên nghiệp họa sĩ hay thi sĩ mà là năng lực, phẩm chất của tâm hồn - tâm hồn tinh tế, đằm thắm của một con người hết mực yêu đời, say mê cuộc sống.
Bức tranh Cảnh ngày hè có một lời bình - một suy ngẫm đứng riêng, độc lập.


Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương



Mạch thơ từ hướng ngoại sang hướng nội. Từ miêu tả sang biểu cảm, khách thể sang chủ thể. Nguyễn Trãi đã trực tiếp bộc lộ nỗi lòng mình trong hai câu thơ kết. Ấy là một giấc mơ, và cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ bật ra thành lời.

Giấc mơ, đó là giấc mơ Nghiêu Thuấn. Giấc mơ ngàn đời của những con người Phương Đông sống trong thời trung đại. Mong sao có một bậc vua hiền để được yên ổn ấm no hạnh phúc. Trước hơn bốn trăm năm, thời Tiền Lê, Pháp Thuận đã phát biểu "Vận nước như mây cuốn / Trời Nam mở thái bình / Vô vi trên điện các / Xứ xứ dứt đao binh". Vận nước có rối ren thế nào cũng mong hai chữ thái bình, nhà vua đừng làm điều gì nhiễu nhương thì khắp nơi đều hết nạn binh đao. Sau mấy mươi năm, vị vua hiền minh Lê Thánh Tông cố sức mình cũng chỉ để thỏa lòng mong muốn :


Nhà nam nhà bắc đều có mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.


Bây giờ đây, ưu tư thế cuộc, nhìn đời - từ cỏ cây, vạn vật đến sinh linh vui sống như thế, Nguyễn Trãi lại khắc khoải khát vọng muôn năm này. Mong trị quốc, bình thiên hạ sao cho dân giàu nước mạnh là giấc mơ của một bậc đại nhân.

Nếu giấc mơ kia là của bậc đại nhân, thì cái lõi tư tưởng của giấc mơ là của bậc đại trí. Đó là tư tưởng “thân dân” (dĩ dân vi bản) từng được vạch rõ trong Bình Ngô Đại Cáo - "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".

Đó là tư tưởng lớn. Với Nguyễn Trãi, tư tưởng ấy từng sôi sục trong hành động, khắc khoải trong tâm tưởng, rát bỏng trong thi ca. Cả bài thơ 8 chữ, đến tận dòng cuối cùng, chữ “dân” mới bật ra, song chính là cái nền tư tưởng, tình cảm của tác giả, cái hồn của bài thơ. Là sợi chỉ dỏ xâu chuỗi cả 8 câu thơ lại.

Cảnh ngày hè (Gương báu răn mình số 43) không định giáo huấn chung. Trước đời sống đang dâng trào, yên lành thế, Nguyễn Trãi tự răn mình, phải làm sao cho cuộc sống này trở thành mãi mãi và chỉ khắc khoải một nỗi "tiên ưu" ấy mà thôi.