Lịch sử nhân loại được truyền thừa đời sau tiếp nối đời trước, như con sông dài mãi chảy về khơi. Cuộc sống của mỗi một người lại giống như con sóng trên sông đang đi tìm nguồn cội, đời này nối tiếp đời kia...Tất cả những điều đó đã tạo nên một dòng chảy văn hoá truyền thừa đầy sắc màu, thi vị và chan chứa nhân văn.
Hơn hai nghìn năm trước, tại mảnh đất Thần Châu, cuộc đối thoại giữa hai thầy trò đã để lại một giai thoại đẹp cho người đời. Người học trò Tử Lộ đứng bên bờ sông mà hỏi thầy mình rằng: “Thưa thầy, con muốn được biết chí hướng của thầy?”. Vị thầy Khổng Tử suy nghĩ một lúc rồi đáp vẻn vẹn 12 từ: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi.” Ba câu này của Khổng Tử có thể hiểu đơn giản như sau: “Lão giả an chi” chính là Hiếu, “Bằng hữu tín chi” chính là Tín, “Thiếu giả hoài chi” chính là Bi.Tại sao Khổng Tử không để Tín hay Bi đứng trước mà lại là chữ Hiếu? Phàm là từ bậc thánh nhân cho đến người thường đều đem chữ Hiếu đứng đầu? Cổ nhân còn có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm việc thiện thì hiếu đứng đầu).
Bản năng và bổn phận
Người ta cũng sớm nhận ra rằng có một số loại bổn phận thuộc về bản năng, vốn không cần động lực để gò ép, ví như bổn phận vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trẻ con ngay từ lúc lọt lòng đã sẵn có tình cảm quyến luyến với cha mẹ. Người mẹ cũng có sẵn cái gọi là bản năng làm mẹ, muốn được quan tâm, săn sóc, đùm bọc, chở che cho con cái. Đó vốn là những điều không cần phải dạy bảo, ai cũng sẵn có trong lòng.
Nhưng bổn phận hiếu đức lại là một trường hợp khác. Quan sát một đứa trẻ nhỏ, ta sẽ không thể thấy được sự hiếu thuận của chúng. Khi đói ăn, phản ứng đầu tiên của chúng là tìm bằng được đồ ăn, không cần quan tâm xem bố mẹ có đói không, đã ăn chưa… Từ đó có thể thấy hiếu thuận không phải là bản năng thiên bẩm của con người, mà là kết quả của sự tu dưỡng.
Sở dĩ con người tuân thủ theo bổn phận của mình chính là do họ tin vào thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo. Chỉ có sự thành thật và thiện lương, không giết người hại vật, chỉ làm điều thiện thì mới có được một cuộc sống hạnh phúc, mới được cứu độ. Đó là cái lý mà ai cũng hiểu, ai cũng làm theo. Con người trong xã hội cổ đại luôn là như thế. Họ tin rằng nếu trong thời gian thọ mệnh hành thiện, tích đức thì sau khi chết đi linh hồn sẽ được lên thiên đường. Hoặc giả, người có thể tu luyện thành chính quả, đắc giác ngộ thậm chí còn vĩnh viễn thoát khỏi sự đau khổ của luân hồi chuyển thế.
Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, người ta cũng càng coi trọng thế giới thực tại hơn. Họ cũng tỏ ra thận trọng, dè dặt, thậm chí hoài nghi đối với thế giới sau cái chết và những chuyện luân hồi, báo ứng. Ví như Khổng Tử từng nói: “Bất tri sinh, yên tri tử” (chưa hiểu rõ được đạo lý sinh thế nào, làm sao có thể hiểu được chết ra sao?).
Con người tìm kiếm cho mình một con đường nương theo thế giới hiện thực để phát triển bản tính thiên bẩm của mình. Con đường này được xây dựng nên từ những mối quan hệ máu mủ thân thiết bẩm sinh hết sức thực tại với người thân, cha mẹ. Do đó, chúng ta có thể dễ dàng lý giải tại sao hiếu đạo lại là điểm khởi đầu của tu dưỡng đức hạnh.
Đức hạnh của vua Thuấn
Đối với văn hoá truyền thống của các dân tộc Á Đông, chữ hiếu được xếp đứng đầu trong mọi đức hạnh, Người Trung Hoa xây dựng khái niệm hiếu đức của mình xoay quanh “Nhị Thập Tứ Hiếu” (tức 24 nhân vật nổi tiếng có hiếu đức).
Trong số đó, vua Thuấn là điển hình mẫu mực nhất. Ông trở thành biểu tượng về lòng hiếu thuận. Tương truyền, mẹ Thuấn không may mất sớm từ khi ông còn nhỏ. Cha Thuấn hai mắt lại mù loà, mẹ kế sinh thêm một người em tên là Tượng. Thuấn sống trong hoàn cảnh khổ cực. Cha thì ương bướng, cố chấp , mẹ kế thì gian trá, em thì kiêu ngạo. Thuấn luôn luôn chịu đủ điều ức hiếp, không những vậy còn nhiều lần bị mẹ kế bày mưu hãm hại.
Có một lần, mẹ kế sai Thuấn đi sửa mái nhà kho, rồi ở dưới đốt lửa cháy kho muốn giết chết Thuấn. Lại có một lần bà sai Thuấn đi đào giếng, tới khi đào xuống dưới sâu thì đứng ở trên lấy đất lấp lại. Rất may khi đào xuống sâu bên dưới, Thuấn phát hiện một đường thông đạo dẫn ra bên ngoài, nhân men theo đường đó mà thoát nạn.
Nhưng trước sau như một, Thuấn chưa bao giờ lấy điều đó mà ghi thù nhớ oán. Sau mỗi lần thoát nạn, ông lại càng thêm phần hiếu thuận với cha mẹ hơn xưa. Thuấn quả thực là một người có phẩm hạnh siêu thường. Sự hiếu thuận đã đưa tên tuổi của vang danh khắp thiên hạ. Sau này, ông được vua Nghiêu gả con gái và nhường lại giang sơn cho cai quản.
Tại sao cổ nhân lại đem câu chuyện hiếu thuận kỳ lạ, thậm chí có chỗ tưởng như vô lý này xếp đầu 24 gương hiếu thảo? Phải chăng người xưa muốn căn dặn điều này? Trong một đời người, không ai có quyền lựa chọn cha mẹ hay con cái của mình. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn nghề nghiệp, nơi ở và cách sống. Nếu đã không thể lựa chọn vì sao không thể thay đổi thái độ để cải biến hoàn cảnh? Người mẹ kế độc ác nhưng thái độ ứng xử lấy thiện đãi người của vua Thuấn đã cải biến hoàn cảnh hoàn toàn, lại giúp ông được đề cao, lưu danh vào sử sách như một tấm lòng chí hiếu.
Văn hoá truyền thống Á Đông coi hiếu đức như điểm khởi đầu của sự tu dưỡng bản thân. Chỉ khi biết yêu thương cha mẹ mình, người ta mới có được đức nhân từ, bao dung độ lượng. Từ góc độ chiết tự, chữ 孝 (Hiếu) được ghép bởi hai phần, trên là chữ “Lão” dưới là chữ “Tử”, nghĩa là người già bên trên, người trẻ ở dưới, ý nói hậu bối cần phải tôn trọng các bậc trưởng bối nhiều tuổi hơn mình.
Bồi dưỡng một trái tim lương thiện, mở rộng tình cảm cá nhân thành lòng thương người, bắt đầu từ việc thiện đãi người thân bên cạnh, thiện đãi hết thảy mọi người xung quanh, lấy đây làm chuẩn tắc đối nhân xử thế. Chỉ khi nuôi dưỡng được thiện tâm tròn đầy, người ta mới có thể tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn. Khi luôn bảo trì một trái tim từ bi, yêu thương (gần nhất là với cha mẹ) người ta mới có thể dung nạp được hết thảy sự đời, mỉm cười trước những khó nạn tưởng chừng cao như núi. Do đó cũng có thể nói, hiếu thuận chính là cái gốc của hạnh phúc vậy!
ĐKN (st)