Tìm kiếm Blog này

5 thg 12, 2010

Clip, Internet và cái nghĩa thầy trò

TTO - Vụ việc học sinh tại Trường Trần Phú (Hải Phòng) ghi âm cô giáo chửi hồi tháng 9-2010 vừa tạm lắng xuống thì cộng đồng mạng lại bắt đầu "sốt tập 2" với một clip vừa được tung lên YouTube với tựa "Quá choáng clip cô giáo văng tục học trò".

Xin không bàn chuyện thái độ của giáo viên trong những vụ việc này là đúng hay sai, xin chỉ nói về mối liên hệ giữa điện thoại di động/máy ảnh/máy ghi âm - học trò - thầy cô - mạng Internet.

Có lẽ chưa bao giờ mối liên hệ ấy lại làm cộng đồng điêu đứng đến vậy khi nhiều clip, đoạn ghi âm mà học trò là tác giả, khiến bao người giật mình, không khỏi có cái nhìn bi quan về thế giới học đường hôm nay.

Cứ có cảm giác một số học trò hiện nay khi phát hiện bất cứ có chuyện gì khác thường trong lớp học là ngay lập tức (trong khả năng của mình) ghi âm, ghi hình, chụp ảnh... rồi nhanh tay tung lên mạng.

Động cơ của việc làm ấy là gì? Muốn được nổi tiếng vì có "hàng độc" khoe với cộng đồng mạng? Gây sốc, gây sốt từ online đến đời thực là một thú vui? Dùng Internet như một vũ khí để thầy cô biết được sự lợi hại của học trò thời đại số? Để thầy cô phải trả giá cho hành động của mình? Không dám trực tiếp bày tỏ cảm xúc với hành vi của giáo viên mà phải mượn đến Internet?...

Lang thang qua các diễn đàn, đọc những nhận xét về các clip thầy cô chửi học trò mà đau lòng: "Bà cô này cứ như dân chợ búa! Cho nghỉ việc được rồi!", "Giáo viên hay... bán cá chợ trời?", "Không giống cô giáo tí nào. Ngôn ngữ hàng chợ cá mà"...

Sự đúng sai trong hành xử của giáo viên rồi cũng sẽ được phân định. Nhưng chuyện những cô cậu học trò ghi hình thầy cô rồi tung lên mạng là đúng hay sai, có nên đưa điều này vào nội quy nhà trường... thì dường như cộng đồng vẫn còn lúng túng và có lẽ còn tranh cãi dài.

Thay đổi, phát triển là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng khi chính học trò chủ động để thiết bị số và Internet "nhảy bổ" vào quan hệ thầy - trò (mối quan hệ vốn chưa bao giờ suy giảm sự thiêng liêng trong tâm thức người Việt) khiến quan hệ ấy phần nào "kéo mây mù" thì thật đáng tiếc và đáng lo ngại.

Chẳng lẽ học trò phải ẩn mình vào thế giới mạng mới dám bày tỏ sự không hài lòng với những hành vi của thầy cô?

GIA BẢO (Q.7, TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét