Tìm kiếm Blog này

12 thg 10, 2012

Tiên học Lễ


Từ cổ chí kim, tục ngữ luôn là trí khôn của nhân dân, là ngọn đuốc soi sáng đường đi, giúp ta rất nhiều trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Kho tàng tục ngữ trãi dài trên nhiều lĩnh vực đời sống: từ học tập đến lao động, cách đối nhân  xử thế cho phải đạo làm người,… Trong đó, ta không thể nào bỏ qua câu “tiên học lễ, hậu học văn”. Một câu nói, một lời dạy sâu sắc ý nghĩa đối với ngành giáo dục trong mọi thời đại.
“Tiên học lễ, Hậu học văn”
Câu nói có hai vế, trong đó có một tiểu đối giữa Tiên” và “Hậu”. “Tiên” là đầu tiên, là sự khởi đầu cho một quá trình nào đó. Trái với “Tiên”, “Hậu” là giai đoạn phía sau. Còn lễ ở đây là sự lễ nghĩa “Lễ” có nghĩa là cách ứng xử, giao tiếp có văn hóa giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định. Thế còn văn, xin thưa, “Văn” có nghĩa là chữ, là kiến thức của loài người được tích lũy qua nhiều thế hệ. Từ đó câu tục ngữ trên cốt yếu muốn nói với ta, trước khi học những kiến thức bên ngoài, ta phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nhân cách. Hai vế câu song song nhau, bổ sung cho nhau, mang lại sự chặt chẽ và logic cho câu tục ngữ.
Từ thuở lọt lòng mẹ, bên vành nôi chan chứa đầy ấp những lời ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ, những câu ca dao đơn sơ mộc mạc nhưng lạị mang ý nghĩa sâu sắc cùng tính giáo dục cao. Trong số đó có những tình cảm yêu thương, hiếu thảo, nhường nhịn, giúp đỡ, đoàn kết lẫn nhau. Những điều ấy vô tình như đã ăn sâu vào tâm trí ta, thấm nhuần vào ý thức trách nhiệm của ta trên bước đường hoàn thiện tri thức lẫn nhân cách, làm người như thế nào cho phải đạo? Rồi khi bước chân vào với môi trường giáo dục, tiếp cận với kho tàn tri thức quý báu, ta lại không quên tiếp tục tu dưỡng đạo đức, qua các tiêt học đạo đức, giáo dục công dân đầy bổ ích. Từ đó ta đã thấy được một điều rất phù đúng đắn, chính là lễ và văn, tài và đức phải được kết hợp hài hòa trong một con người, người ta không thể thành công thực sự nếu thiếu đi một trong hai yếu tố ấy.
Phẩm chất đạo đức là thước đo giá trị nhân phẩm của một con người. Lễ giáo chính là nền tản vững chắc của môi trường sư phạm.Đạọ đức, hạnh kiểm của người học sinh quyết định tinh thần, thái độ và hiệu quả học tập của người học sinh. Tôn trọng lễ giáo trong nhà trường là nền tảng đạo đức của người học sinh, là bệ phóng cho tài năng phát triển cao hơn, bay xa hơn. Một người học sinh chỉ học khá nhưng vui vẻ, đối xử tốt với bạn bè, lễ phép với thầy cô thì luôn được cô thầy, bè bạn yêu thương, tôn trọng. Nhưng ngược lại, một học sinh xuất sắc luôn đứng đầu lớp lại tỏ thái độ hóng hách, khinh người thì chỉ làm cho bạn bè ngày càng xa lánh.
Lễ chính là nền tảng, là mục tiêu để hướng tài năng vào mục đích cao cả, tốt đẹp. Lễ là gốc, văn là ngọn. Gốc lễ mục nát thì làm sao ngọn văn có thể tồn tại và phát triển. Lễ là nền, văn là nhà. Nền lễn không chắc chắn thì sớm muộn nhà văn cũng bị sập đổ. Chính vì thế, không thể chưa học đi đã đòi học chạy, chưa có lễ, có đức mà đã học kiến thức thì cho dù kiến thức ấy có sâu rộng đến đâu  cũng là vô dụng

Chính vì thế, Bác Hồ từng dạy: “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Không phải chỉ là lí thuyết suông, câu nói này của Bác cũng như câu tục ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” còn phản ánh rất chính thực tế cuộc sống. Một người có đức độ nhưng kém cỏi về tài năng, hiểu biết thì rất khó làm tốt công việc, công việc muốn đạt đến thành công sẻ gian nan vất vả gấp bội phần. Còn nếu một người có đầy đủ tài năng, văn vẻ, hiểu biết sâu rộng đến đâu nhưng thiếu đi đạo đức, lễ nghĩa, thì sẽ rất dễ sinh ra thói tự cao tự đại, kiêu căng, tự phụ, như lời bác nói là vô dụng. Trong nhiều trường hợp, những con người này rất sẽ chỉ mang tài năng của mình phục vụ cho bản thân, cá nhân mà đôi khi còn ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhiều người khác. Lấy ví dụ về Adolf Hitler, một nhà quân sự tài giỏi của Đức, nhưng lại quá tàn ác trong chiến tranh, thiếu đi cái tâm, cái đức, từ một nhà quân sự giỏi ông đã trở thành một kẻ độc tài, tàn ác nhất Đức Quốc Xã, cuối cùng cũng nhận lấy thất bại. Đức còn luôn được coi trọng, đề cao hơn tài, bởi lẽ nếu thiếu tài năng thì cũng có thể dần dần tu dưỡng, bồi đắp để có thể hoàn thiện, còn nếu không có đức thì sẽ dễ va và những hố sâu của xã hội, trở thành những phần tử bất chính nếu không biết tu dưỡng đạo đức. Bên cạnh đó, tài-tức kiến thức cũng quan trọng không kém, ta cần phải học tập thật nhiều để theo kịp thời đại trở thành con người thực sự có ích cho xã hội. Vì thế, để đi được đến bến bờ của sự thành công, ta phải luôn biết kết hợp giữa rèn luyện đạo đức với trao dồi kiến thức. Nhưng trong thực tế cuộc sống, lại có không ít người chỉ biết vùi đầu vào cái gọi là “Văn” ấy, mà bỏ đi cái đức, cái tâm. Môi trường giáo dục ngày nay lại có xu hướng thiên về giảng kiến thức hơn rèn luyện đạo đức cho học sinh, mà sao nhãn các tiết học giáo dục công dân vô cùng quan trọng, mang tính định hướng nền móng cho đạo đức của người học sinh.

Truyền thống giáo dục muôn đời đã vậy “tiên học lễ, hậu học văn”. Kế thừa truyền thống và phát huy truyền thống ấy của cha ông ta, ngành giáo dục cần từng bước quán triệt hơn nữa việc rèn luyện đạo đức học sinh. Gia đình cần chú trọng hơn nữa việc dạy dỗ, tu dưỡng đạo đức cho con em từ thuở mới lọt lòng. Xã hội cần quan tâm hơn nữa vấn đề nâng cao đạo đức công dân. Và cuối cùng, là người học sinh ngồi trên ghế nhà trường, ta phải có ý thức cao hơn nữa trong việc trao dồi đạo đức bản thân. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, khi những làn sóng văn minh đang ồ ạc du nhập vào nước ta, mà giới học sinh là thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất. Cho nên việc đề cao quan niệm giáo dục đứng đắn của người xưa là cách thiết thực nhất để kìm hãm những ảnh hưởng ấy.

Trong thời hội nhập hiện nay, chúng ta cần xóa bỏ những hủ tục lỗi thời, kém phát triển. Đồng thời tiếp thu một cách không ngừng những văn minh thời đại để không bị lỗi thời so với các quốc gia láng giềng. Nhưng bên cạnh đó ta cũng phải giữ gìn, đề cao những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mà “tiên học lễ, hậu học văn” là một trong số đó. Câu tục ngữ là chân lý của mọi thời đại, là khuôn vàng thước ngọc của mỗi người chúng ta. Qua đó, ta phải biết trao dồi cả lễ và văn, cả đức và tài để trở thành con người toàn diện, góp phần làm thăng tiến xã hội, rạng danh giống nòi./.

 

Trường

Trung học phổ thông Võ Thị Sáu

Lớp

10 a1

Họ và tên

Lê Văn

Số thứ tự

40

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét