Tìm kiếm Blog này

25 thg 10, 2009

Người VN rất trọng danh dự

Ca dao ra đời và tồn tại là để đáp ứng những nhu cầu bộc lộ tình cảm của nhân dân. Bên cạnh những bài ca về yêu thương tình nghĩa thì những lời than thở về cuộc đời đau khổ, đắng cay cũng là một đề tài rất tinh tế trong hệ thống ca dao dân ca Việt Nam. Đó là những lời than thân trách phận, tâm tư tình cảm của những con người lao động và họ đã mượn hình ảnh con cò để bày tỏ nỗi lòng của mình.“
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
_ Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con. “
Hai câu thơ đầu của bài ca dao miêu tả sơ lược hình ảnh con cò _ một hình ảnh quen thuộc,thân thương của làng quê Việt Nam. Cánh cò từ ngàn năm đã nhập vào tâm hồn tuổi thơ qua lời ru êm ái và dòng sữa ngọt dịu của mẹ.
“ Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. “
Theo lẽ tự nhiên, cò thường bay đi kiếm ăn vào buổi sáng nhưng trong bài ca dao, con cò tội nghiệp này phải rơi vào nghịch cảnh trái với lẽ thường : cò phải đi kiếm ăn vào ban đêm lạnh lẽo, cô độc.Cò không thể nhận biết được những khó khăn trước mắt, những tai nạn rủi ro mà mình sẽ gặp phải, mà vẫn chăm chỉ tìm kiếm thức ăn. Chẳng may “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, chú cò tội nghiệp gặp khó khăn. Những hình ảnh đó tượng trưng cho người nông dân Việt Nam hiền lành, chất phác, siêng năng,cần mẫn và phải trải qua biết bao vất vả, gieo neo.“
_ Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng. “
Ba từ “ông”, hai từ “tôi” được lặp đi lặp lại như nốt nhấn bi thảm của bài ca. Cò mong “ông” cứu vớt, đoái thương. Tiếng kêu cứu nghe rất tha thiết, chân thành, tội nghiệp. Cò cất tiếng thanh minh cho hoàn cảnh trớ trêu của mình, rơi xuống ao là do tai nạn không phải có ý định xấu. Nó cũng nhu6 nói đến những bất hạnh, hoạn nạn của nhà nông xưa đứng trước mọi thế lực thống trị và áp bức trong xã hội : sưu cao thuế nặng, ách thống trị nặng nề… . “Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng“ là lời phân trần, thanh minh : cò đi ăn đêm nhưng không phải kẻ bất lương mà cò hiền lành,lương thiện. Hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng về người nông dân “một nắng hai sương”. Đó là những con người hiền lành, cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó. Ôi thương thay những con người “chân lấm tay bùn” xưa trên mảnh đất giàu tình nghĩa Việt Nam

Hai câu thơ tiếp theo, cò sợ người đời không tin mình nên đã nói :“
Có xáo thì xáo nước trong,Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con. “
Hình ảnh ẩn dụ “nước trong”, “nước đục” đã gợi cho chúng ta biết cò là một người rất trọng danh dự. Nếu phải chết, cò muốn chết trong “nước trong” - chết trong danh dự chứ không phải là “nước đục” – một sự tượng trưng cho tai tiếng, nhục nhã và đầy hổ thẹn. Lời của cò còn thể hiện được những khao khát, những nỗi niềm khác nhau. Cò muốn được sống để có thể lo cho con, cho gia đình. Tiếng kêu của nó chân thành, gấp gáp giống như tiếng kêu của một sự cầu cứu. Dù sắp chết nhưng cò vẫn nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm của mình đối với các thế hệ con cháu đời sau. Cò sợ đời sau xấu hổ, tuổi thân, phải mang tiếng xấu với đời. Qua lời cò, câu ca dao đã đề cập đến người bình dân Việt Nam rất trọng danh dự, luôn có trách nhiệm với thế hệ sau.
Bài ca dao ghi lại lời tâm sự của người bình dân xưa trong các hoàn cảnh sống. Lời tâm sự này bày tỏ thái độ phản kháng đầu tiên, phản ảnh ước mơ về một xã hội công bằng, người lao động được đối xử công bằng, tử tế hơn. Thông qua lời tâm sự này, bức tranh về hiện thực của cuộc sống ngày xưa được hiện ra một cách chân thật.
Qua bài này ta có dịp tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật của ca dao than thân. Nó mang âm điệu giọng thơ một nỗi buồn man mác, giàu chất nhạc và trữ tình. Dùng hình ảnh ẩn dụ, quen thuộc với người bình dân, diễn ý bằng cách miêu tả hình ảnh quen thuộc ấy trong tự nhiên.
Ca dao than thân đã phản ánh khát vọng của người Việt Nam xưa, ca dao còn khắc hoạ hình ảnh của người phụ nữ trong thời xưa : cam chịu, giàu đức hi sinh. Ca dao than thân có số lượng lớn và rất tiêu biểu cho kho tàng ca dao Việt Nam về nội dung cũng như nghệ thuật. Nó mang ý nghĩa phản kháng xã hội, phản kháng những điều ngang trái ẩn chứa rất sâu trong đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét