Tìm kiếm Blog này

9 thg 10, 2009

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng

Ai trong chúng ta khi sinh ra cũng mang cho mình một ý nghĩa sống, một lẽ đời để gìn giữ trong tim. Càng lớn, chúng ta càng xác định chúng rõ hơn. Thật vậy, ở trên thế giới này, không hề có con đường nào trải đầy hoa hồng để cho ta lựa chọn. Nếu muốn trở thành một con người hoàn thiện, chỉ có một con đường, một con đường gian khổ với đầy sỏi đá chông chênh. Giờ đây, khi đón nhận con đường ấy, liệu mấy ai có thể chịu đựng được và cố gắng đến phút cuối cùng? Họ sẽ lơ là rồi tự từ bỏ một thứ mà họ không nghĩ mất nó thì sẽ có hậu quả thế nào. Cái đang được nói đến đây, chính là tinh thần trách nhiệm. Bất kỳ một công dân nào cũng cần hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với vạn điều cao cả và lớn lao. Nhưng trước khi đối diện với vạn điều cao cả và lớn lao ấy, ta phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất mà học sinh chúng ta phải thận trọng lưu ý. Và nơi mà những học sinh, những búp măng hãy còn non, học tập và trao đồi kinh nghiệm về tinh thần trách nhiệm ấy không thể nào khác ngoài mái trường thân thương.
Vậy ta nên định nghĩa thế nào về trách nhiệm? Trách nhiệm là ý thức làm những gì mình được giao phó dù công việc ấy nhỏ hay to. Đó là một đức tính rất cần thiết cho mỗi con người mong muốn mình có một chỗ đứng vững chãi trong lòng những người xung quanh. Trách nhiệm nằm sâu tận trong tâm, nơi mà chỉ có những con người đầy quyết tâm, nghị lực tin vào chính mình, biết sống và suy nghĩ ngoài bản thân mới vươn đến được.
Trong lứa tuổi học sinh, ta cũng bắt gặp nhiều tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn như Đoàn Nguyên Nhựt, cậu học trò Hội An phải sống trọ tại một căn nhà trọ trên đường Bùi Thị Xuân để ngày ngày được ôn luyện trong ngôi trường THPT chuyên Lê Quý Đôn( Đà Nẵng). Nhờ thông minh, kiên nhẫn cộng với sự nỗ lực vươn lên và ý thức trách nhiệm trong việc tự trau dồi kiến thức, anh đã đạt kết quả mỹ mãn là ba năm liền đoạt giải nhất học sinh giỏi Toán, Huy chương vàng Olympic 30-4 Toán lớp 10, 11, 12. Hay Lê Văn Hùng Vương, “Vua” Hóa với thành tích Huy chương bạc Olympic 30-4 môn Hóa lớp 10, giải nhì học sinh giỏi môn Hóa lớp 10, giải nhất giải máy tính xách tay năm học 2008-2009. Rồi đến Nguyễn Ngọc Thùy Linh, để học giỏi môn văn, đã đọc nhiều sách để tích lũy kiến thức, tập luyện viết những bài văn nhỏ để rèn luyện kỹ năng. Tất cả bọn họ tự đề ra mục đích học tập cùng ý chí cầu tiến đáng khâm phục. Ấy chính là trách nhiệm với sự học của bản thân, trách nhiệm với công ơn dưỡng dục của cha mẹ, cô thầy.
Cũng vì thế, mỗi người trong chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân. Ở trường lớp, nếu có trách nhiệm, ta sẽ được thầy cô, bạn bè tin cẩn, yêu thương và kính trọng. Ngoài ra, nó còn giúp ta tiếp thêm nguồn động lực để tìm ra cách học thích hợp với mình, thúc đẩy ta tìm đến phương hướng sáng tạo và đầy hiệu quả trong học tập. Không những vậy, trách nhiệm đưa ta thoát ra khỏi những cám dỗ tầm thường khiến ta sao nhãng những nhiệm vụ quan trọng thường nhật. Cả những tệ nạn học đường như quay cóp, xem tài liệu… cũng sẽ được giảm thiểu nhờ vào tinh thần trách nhiệm để người người hiểu được tầm quan trọng của việc trung thực trong thi cử là như thế nào.
Tuy nhiên, song song với mặt lợi còn có mặt hại là căn bệnh thiếu trách nhiệm đang hiện diện khắp nơi. Những người thiếu trách nhiệm luôn luôn bỏ mặc mọi thứ. Họ không bao giờ quan tâm hay để ý việc đấy ra sao mà lại quan niệm rằng:“Sống chết có mệnh, giàu sang do trời”. Dần dần bởi ý nghĩ chỉ biết lo lắng cho bản thân, họ sẽ bị dẫn đến con đường “hẹp hòi,ích kỷ”. Từ bộ phận học sinh chúng ta nếu thiếu trách nhiệm, coi thường việc học tập hay kỷ luật, nề nếp thì ngôi trường sẽ ra sao?Tất nhiên đây sẽ không còn là nơi sản sinh ra những nhân tài góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước mà là toàn những học sinh hư hỏng.Và những cô cậu đó khi lớn lên sẽ khiến xã hội rơi vào hoàn cảnh thế nào?Thật không dám tưởng tượng nhưng đó là sự thật. Mỗi người chỉ theo ý mình mà không đếm xỉa đến trách nhiệm với cả một tập thể, một cộng đồng thì sớm muộn mọi sinh hoạt sẽ bị đảo lộn, đời sống cũng sẽ bị xáo trộn, hình thành những loại người gây ảnh hưởng xấu khiến kinh tế suy thoái và suy cho cùng là đất nước ta sẽ tụt hậu so với các nước khác.
Để ngăn chặn những điều khủng khiếp ấy xảy ra, chúng ta cần biết cách quan tâm tới cảm xúc của người khác và tôn trọng họ, luôn nói sự thật ngay cả khi đã nhận lỗi, làm theo lẽ phải ngay cả khi việc đó không như ý muốn hay phải từ bỏ những gì mong muốn, tập làm chủ bản thân, trân trọng những gì mình đạt được, thỏa mãn với cách cư xử phù hợp, với những gì có thể làm và những thành quả mới. Nhưng đầu tiên và quan trọng nhất,chúng ta phải học tập và làm tròn bổn phận của một người học sinh để thấy rằng sống có trách nhiệm, đó quả là một hạnh phúc lớn.
Thế giới này được ví là sàn diễn sân khấu và tất cả chúng ta là những diễn viên. Mỗi người giữ một vai trò độc nhất vô nhị và chịu trách nhiệm cho những hành động của chính mình. Trách nhiệm là làm đúng việc dù việc ấy lớn hay nhỏ. Ít ra, nếu chúng ta chưa đủ khả năng làm được một điều gì đó đúng đắn và tuyệt vời để cuộc sống thêm tươi đẹp hơn thì cũng nên sống sao cho có trách nhiệm để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, là thế hệ tương lai đúng theo sự kỳ vọng của Bác.
“…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn công học tập của các em…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét