Tìm kiếm Blog này

23 thg 10, 2009

TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG

Tên: HUỲNH THỊ THÙY VI (41)
Lớp: 10A8
ĐỀ: Trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng
BÀI LÀM
Ngày nay, nước ta với nền kinh tế ngày càng phát triển, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, bộ mặt của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như của đất nước nói chung đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, đời sống của nhân dân cũng ngày càng văn minh đòi hỏi chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trách nhiệm là nhiệm vụ mà mỗi người phải gánh vác và có bổn phận thực hiện công việc một cách hoàn chỉnh, hiệu quả. Tinh thần trách nhiệm thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình với công việc, bản thân và cuộc sống. Vậy lí do con người phải có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng là gì? Bởi lẽ, sống có trách nhiệm với cộng đồng là góp phần đem lại những điều tốt đẹp nhất, có ích cho cộng đồng, góp phần xây dụng xã hội tiên tiến, phát triển hơn.
Trong cuộc sống, tinh thần trách nhiệm là một đức tính không thể thiếu đối với mỗi cá nhân và tập thể. Mỗi người muốn trở thành công dân có ích cho đất nước cần phải sống có trách nhiệm đối với cộng đồng qua những công việc hàng ngày như: quan tâm đến mọi người chung quanh và môi trường sống, hiểu biết các chính sách xã hội, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, tuân thủ luật pháp…
Nếu mỗi người đều có trách nhiệm trong lối sống đối với cộng đồng thì chính họ cũng đang lặng lẽ góp sức cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại, xây dựng đất nước thành công trên nhiều lĩnh vực và gần gũi hơn là hoàn thiện chính nhân cách của cá nhân đó.
Ngược lại, nếu ta sống vô trách nhiệm sẽ làm trễ nải, giảm chất lượng công việc và cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, họ sẽ dễ dàng đánh mất lòng tin của người khác, tự biến mình trở thành người thất tính trong tập thể.
Làm thế nào để xây dựng một lối sống có trách nhiệm với cộng đồng? Mỗi người trong chúng ta nên tự giác đề ra những việc cần phải hoàn thành và xác định thời gian chính xác để thực hiện hiện chúng một cách khoa học và có hiệu quả. Chẳng hạn như việc tự nguyện tham gia hoặc đóng góp cho các hoạt động vì cộng đồng, tập dần thói quen đóng góp những điều có ích cho cộng đồng, chẳng hạn: quyên góp ủng hộ đồng bào, không xả rác nơi công cộng, tham gia các cuộc đi bộ gây quỹ từ thiện, đóng góp sách vở để giúp các bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa…
Tuy nhiên, trong cuộc sống, bên cạnh những người có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng thì vẫn tồn tại rất nhiều cá nhân sống vô trách nhiệm. Họ sống buông thả, bỏ bê công việc được giao và không hề nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tuyệt đối. Thậm chí, một số người còn không có trách nhiệm với cả bản thân và gia đình. Họ chỉ biết sống ích kỷ vì cá nhân mình, đối với gia đình thì không làm tròn bổn phận , không biết vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ, vô lễ với người trên. Phần lớn hiện nay có những cặp vợ chồng đam mê cờ bạc, rượu chè bỏ mặc gia đình khiến cuộc sống hôn nhân tan vỡ, đó là nguồn cơn của sự bất hạnh cho những đứa con khốn khổ. Hơn thế nữa, nhiều người còn sống vô trách nhiệm với cả bản thân mình, họ không quan tâm đến tương lai, sức khỏe của mình, sa ngã vào tệ nạn xã hội và tự mình dập tắt ngọn lửa sự sống mà họ nhận được từ đấng sinh thành.
Mỗi chúng ta phải biết tự xác định trách nhiệm bản thân đối với xã hội, điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhận thức của mỗi cá nhân ở mọi lứa tuổi và tầng lớp. Nhờ đó, con người sẽ sống có mục đích hơn, hiểu được lý do và cách thức sống đẹp, trở thành những người công dân có ích cho đất nước, xây dựng con người trí thức, gia đình hạnh phúc, thế giới văn minh.
Tuy nhiên, không hẳn mọi trách nhiệm đều phải hoàn thành một cách vô hướng. Chúng ta nên xác định đó là nhiệm vụ tích cực hay tiêu cực và chọn lọc một cách thông minh, hợp lí. Nên thực hiện những công việc có ích và cần thiết, tránh những hành vi tiêu cực gây hại cho cộng đồng, đất nước và bản thân.
Hiểu được tầm quan trọng của lối sống có trách nhiệm, người công dân nói chung và học sinh nói riêng nên vạch ra cho mình những nhiệm vụ đúng đắn để thực hiện: có trách nhiệm trong học tập và rèn luyện, đồng thời biết tu dưỡng đạo đức để trở thành những người công dân có tài đức xây dựng đất nước tươi đẹp và vững mạnh. “Dù đã có lúc lầm đường , dù đã có lúc vô trách nhiệm , nhưng ngày nào chúng ta còn đứng trước gương soi mình và muốn trở nên đẹp hơn thì ngày đó còn có thể thực hiện lời cam kết sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, bạn bè và xã hội bởi không bao giờ là quá muộn để thay đổi”.

2 nhận xét: