Trong cuộc sống bộn bề, đầy biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hội, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên tài giỏi và đức hậu. Chính vì vậy mà học sinh-những mầm non tương lai, những người kế thừa công cuộc phát triển đất nước phải ra sức học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức. Để làm được điều đó, thanh niên học sinh cần xác định trách nhiệm của bản thân đối với việc học, đồng thời vạch ra cho mình một con đường đúng đắn, phải “sống có trách nhiệm” không chỉ với bản thân mà còn cho cả cộng đồng.
Với nhu cầu trên, trong năm 2007 ngành Gíao Dục Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chủ đề: “Sống có trách nhiệm”. Và cho đến năm 2009 này, chủ đề trên vẫn được phát triển trong toàn ngành.
Vậy “trách nhiệm” là gì? Và “Sống có trách nhiệm” là sống như thế nào?
“Trách nhiệm” có thể hiểu đó là nhiệm vụ mà mỗi dông dân phải gánh vác. Vậy gánh vác những gì?Ở đây chỉ xin nói về khía cạnh Gíao Dục. Đối với người giáo viên, họ phải gánh vác nghĩa vụ “dạy người” và học sinh là những người phải tiếp thu và thực hiện một cách đúng đắn những điều thầy cô truyền dạy. Để từ đó hình thành nên một cách “sống có trách nhiệm” trong mỗi con người. Mà đối với học sinh đó là trách nhiệm với bản thân,gia đình và cộng đồng. Họ phải sống cống hiến, sống có ích và chí ít là phải sống như một phần “mùa xuân nho nhỏ” của ThanhHải.
Có thể nói trách nhiệm của lớp trẻ bây giờ là rất lớn. Vì Bác Hồ-vị Cha già kính yêu của dân tộc đã từng nói: “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Nhưng để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm ấy, đầu tiên ta phải học để tích lũy một vốn kiến thức cần có. Tại sao ư? Thực tế cuộc sống đã cho ta thấy thế giới không ngừng phát triển về mọi mặt, để có thể bảo vệ được nền hòa bình cho đất nước, trước tiên ta phải đưa đất nước đi lên, ngang hàng với nước bạn. Mà tri thức là điều tất yếu để làm được điều đó. Để có một vốn tri thức phong phú, ta phải ra sức học tập ngay từ bây giờ.
Song song với việc “luyện tài”, học sinh cần phải “rèn đức” thật chu đáo. Vì sao? Vì “người có tài mà không có đức thì thành kẻ vô dụng, còn người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”(Hồ Chí Minh). Đạo đức đã gắn liền với ta từ lúc mới lọt lòng cho đến khi ngồi trên ghế nhà trường và cả lúc ta ra ngoài xã hội. Đồng thời “tài” và “đức” là hai điều kiện luôn song hành trên bước đường thành công của mỗi con người.Lấy ví dụ trong lịch sử, Mĩ và Nga đều chế tạo được vũ khí hạt nhân. Nhưng Mĩ dùng vũ khí để đi giết chóc, xâm lược các nước thấp cổ bé họng. Còn Nga lại dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình cho thế giới. Thực tế lịch sử đã cho thấy Nga sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng chưa một lần sử dụng chúng. Như vậy giữa Mĩ và Nga, tác hại và tác dụng của cái tài thiếu đức cùng tài đức vẹn toàn đã được thể hiện một cách rõ rệt.
Như vậy để trở thành một công dân có ích cho xã hội, “sống có trách nhiệm” với bản thân, gia đình và cộng đồng; ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường ta nên tôi luyện mình trở thành một người tài đức vẹn toàn. Nhưng đâu phải ai cũng ý thức được giá trị của việc học và trách nhiệm đối với cộng đồng. Bằng chứng là nước ta ngày càng nhiều những tệ nạn xã hội. Mà số đông góp phần hình thành các tệ nạn xã hội ấy lại là thanh niên… Không biết có bao giờ các thanh niên ấy nghĩ đến những giọt máu mà ông cha ta đổ xuống, những giọt nước mắt của chính người thân họ không? Hay họ có biết đến những mảnh đời dù bất hạnh nhưng vẫn cố vươn lên, cống hiến hết mình cho đất nước?...
Đồng ý rằng đất nước ta đang trên con đường xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội nên còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng để giải quyết khó khăn ấy, ta phải sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội; chứ nếu gặp khó khăn ta lại chùng bước, thoái tâm, tạo thêm các tệ nạn xã hội thì làm sao đất nước có thể đi lên?! Chẳng phải Nguyễn Bá Học đã từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” đó sao?
Ngoài ra để giúp học sinh có những điều kiện thuận lợi thực hiện tốt chủ đề “Sống có trách nhiệm”, trong năm học 2009-2010 này Bộ Giáo Dục đã đưa ra năm chủ đề: Năm học đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Xây dựng nếp sông văn minh đô thị; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Tất cả vì một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nếu mỗi người học sinh đều thực hiện tốt năm chủ đề trên thì tôi tin chắc rằng các bạn sẽ là những công dân vô cùng hữu ích cho đất nước sau này và ngay hiện tại, các bạn đã thể hiện tinh thần “sống có trách nhiệm” của mình.
Nhưng để có thể thực hiện tốt năm chủ đề trên, ngoài giờ học ở trường ta cần tích cực tham gia vào các hoạt đông Đoàn Đội và các phong trào mà nhà trường phát động. Bên cạnh đó ta cần có trách nhiệm hơn với gia đình, tham gia các chương trình tình nguyện ở địa phương như tuyên truyền tác hại của các tệ nạn xã hội, khuyến khích mọi người thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nêu cao tinh thần “sống có trách nhiệm” trong cộng đồng…
Đồng thời ta nên kêu gọi bạn bè thực hiện “Bốn không trong ngành Giáo Dục” do Bộ trưởng Bộ Gíao Dục- Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân phát động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; Nói không với những vi phạm đạo đức thầy cô giáo và Nói không với việc học sinh ngồi nhầm lớp” để môi trường giáo dục ngày càng hoàn thiện và nâng cao hơn.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại không khác gì trên thao trường hay trên võ đài. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền Giáo Dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực thụ hay không. Vì vậy, để góp phần vào việc đó, mỗi học sinh chúng ta nên cùng nhau “sống có trách nhiệm” với bản thân, gia đình và toàn xã hội để đưa đất nước Việt Nam nói chung và nền Giáo Dục nói riêng ngày một đi lên, các bạn nhé…
Nguyễn Thị Diệu Thông 10A9
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét