Tìm kiếm Blog này

9 thg 10, 2009

Sống-Xứng đáng với kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên hùng mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”. Những lời để lại, lời nhắc nhở, kì vọng của Hồ Chủ Tịch vĩ đại dành cho chúng ta, các thế hệ tương lai của đất nước thì thật là đúng đắn, nhất là khi ngày nay mỗi học sinh chúng ta càng phải nhận biết rõ trách nhiệm của bản thân mình đối với đất nước, để sống thật xứng đáng, thật có trách nhiệm.
Trách nhiệm là một phần công việc, một điều gì đó được giao cho và phải bảo đảm được làm tròn, và làm tốt. Ví như các bậc sinh thành có trách nhiệm nuôi nấng, dưỡng dục và chăm sóc con cái; hay như các thầy giáo, các cô giáo phải hoàn thành tốt việc dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho các học trò của mình, để các em trở thành người có ích cho xã hội….
Con người ta ngày nay, sống là gắn liền với trách nhiệm. Một cậu học trò được cha mẹ vất vả kiếm sống để nuôi dạy cậu ta khôn lớn, cố gắng cho cậu đến những môi trường học tập thật tốt, vun đắp tất cả để cậu ta có được hai tiếng “thành công”. Thế nhưng, nếu cậu ta bỏ lơ tất cả, cậu ta chỉ lo chơi bời, đua đòi theo chúng bạn, thì thế có phải là cậu ta không có trách nhiệm với cha mẹ, với những công lao cha mẹ dành cho cậu, với chữ “hiếu” trong đạo lí làm người hay không? Hơn thế nữa, là một người học sinh, là lớp đàn em của những người đi trước với bao khát khao được học tập, được sống trong sự hoà bình, chúng ta đã bao giờ thật sự có trách nhiệm với những người ấy chưa? Từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân tộc ta đã luôn vươn lên, chiến đấu anh dũng, bảo vệ từng tấc đất tấc vàng nơi quê hương khỏi bọn giặc ngoại xâm. Nơi mỗi người chúng ta đang đứng đây đã từng có những xương thịt, những máu huyết đổ ra vì nền hoà bình dân tộc. Vậy mà, trong những điều kiện khó khăn nhất ấy, nhân dân ta vẫn luôn cố gắng học tập, xoá nạn mù chữ, phấn đấu vươn lên khỏi cái tên hiệu “giặc dốt”. Thế thì ngày nay, khi mà chúng ta có báo chí, sách vở, truyền hình, rađiô,…cùng mọi thứ phương tiện để học tập, chẳng lẽ nào chúng ta lại bỏ quên việc học, chúng ta lại vô trách nhiệm, quay lưng lại với những công lao các bậc cha anh đã đem đến sao? Tập có trách nhiệm trong việc học tập ngay từ bây giờ còn giúp chúng ta hoàn thành những mong mỏi, những ước nguyện của Bác để lại, giúp chúng ta gửi một lời biết ơn chân thành nhất đến những người đã hy sinh cho chúng ta có tiền đồ như ngày hôm nay. Để rồi cuối cùng, chúng ta sẽ thấy được một nước Việt Nam hùng mạnh và phát triển ngang tầm các cường quốc như những lời Bác nhắn nhủ.
Thế thì bây giờ, khi còn là những học sinh trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta phải tập kỉ luật, khuôn khổ bản thân trong việc học tập, đồng thời phải nhận thức được trách nhiệm của mình với gia đình, với xã hội, với đất nước là gì và quan trọng như thế nào nữa. Tốt hơn hết là chúng ta nên phấn đấu hết mình, học gì nắm chắc cái đấy, rồi dần dần tìm hiểu sâu thêm về kiến thức đó, áp dụng và thực hành nó để nhớ lâu hơn. Nếu gia đình có điều kiện thì việc sang nước ngoài học tập cũng rất tốt, là một cơ hội để nâng cao kiến thức và hội nhập với thế giới, cũng như có cơ hội trở về giúp ích cho đất nước mình sau này nữa. Mỗi chúng ta, mỗi người học sinh, mỗi chủ nhân tương lai của đất nước phải xác định với bản thân rằng mình học không chỉ cho riêng mình nữa, mà còn là cho gia đình, cho xã hội và đất nước , cho những thứ quan trọng hơn thế nhiều.
Tuy nhiên, vẫn có những bạn học sinh, sinh viên chưa có ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình. Các bạn du học sang nước ngoài để rồi sinh sống và làm việc ở đó, phục vụ cho đất nước khác chứ không phải quê hương mình. Hay như những học sinh không chuyên tâm học hành, không nhận thức được trách nhiệm của một người học sinh đối với đất nước mình là như thế nào. Ngược lại, vẫn tồn tại song song những cá nhân đã, đang và sẽ luôn cố gắng học tập để mang về lợi ích cho nước nhà. Ví như đoàn học sinh giỏi đi thi giải toán Olympic Châu Á tại Hàn Quốc và một sinh viên đã tạo ra chú rôbốt độc đáo, đa tính năng trong cuộc thi chế tạo rôbốt, đem về thắng lợi, niềm tự hào và vinh dự do quê hương, cho dân tộc mình.
Tóm lại, là một người học sinh, chúng ta cần biết quý trọng những gì ông cha ta đã để lại mà phấn đấu, tiếp nối ước mơ, nguyện vọng của người xưa; hiểu được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình đối với những người ấy, với đất nước và dân tộc mình. Qua đó, chúng ta mới có thể hy vọng vào tương lai sáng lạn rằng một ngày không xa sắp tới, chúng ta sẽ nhìn Việt Nam như một cường quốc với tiêu chí “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” thật tiến bộ, với những kĩ thuật tiên tiến và đời sống đầy phát triển, không kém gì những cường quốc năm châu, không khác gì những lời Hồ Chủ Tịch kì vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét