Tìm kiếm Blog này

9 thg 10, 2009

HS làm gì để thực hiện "Sống có trách nhiệm"

Dạo gần đây, ý thức của người dân được nêu cao hơn cả. Hàng loạt những thông điệp giúp nâng cao ý thức đựơc đưa ra , xoay quanh các lĩnh vực khác nhau. Không nằm ngoài vòng xoáy, bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục thực hiện chủ đề “ Sống có trách nhiệm “ giúp học sinh xác định trách nhiệm đối với việc học của bản thân.
Định nghĩa của từ “trách nhiệm” : dám làm và dám chấp nhận hệ quả của việc mình làm ? Không ích kỷ, không thờ ơ , không trốn tránh ? Sống có trách nhiệm lại là một vấn đề cao hơn. Muốn được vậy , đầu tiên phải có trách nhiệm đối với chính bản thân , tiếp đến là gia đình và xã hội. Bởi lẽ, nếu ngay cả con người mình ta cũng không ý thức được, thì làm sao sống nổi cho cộng đồng. Đó là cái bao quát, cái chung. Còn đối với riêng , ta có thể thấy trong môi trường học đường, trách nhiệm của một người học sinh gắn liền với việc học. Học cho bản thân chứ không phải ai khác. Học cho giỏi, cho tốt để không phụ lòng mong mỏi , kì vọng của cha mẹ, thầy cô. Học để sau này giúp ích cho đời, là một công dân tiên tiến của đất nước. Đấy mới chính là trách nhiệm đối với học tập, chứ chẳng phải cứ xách cặp đến trường là xong.
Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Mà lý thuyết thì ai được nghe qua đều biết. Và nó chỉ dừng lại ở chữ biết, không hơn. Trên thực tế, số người vỗ ngực xưng “ Tôi sống có trách nhiệm “ thì nhiều, nhưng những gì chứng tỏ được chỉ dừng ở mức độ nói mà thôi. Mấy ai thực hiện những điều họ đã nói ? Ngay cả ở học sinh, cứ ngày ngày tự nhủ mình sẽ học bài, sẽ làm bài rồi lại bị cám dỗ bởi các thú vui xã hội. Kết quả thì sao : việc học trì trệ, bị la mắng lại đổ lỗi cho cuộc sống, thầy cô đã quá khắt khe. Hoặc cứ giả sử nhận lỗi và ân hận đi. Ta không thể khẳng định họ thiếu trách nhiệm , thế nhưng đó chỉ là một nửa. Có thể , hai, ba ngày hoặc hai , ba tuần sau, mọi chuỵên lại như cũ. Một con người ý thức được cả những điều mình nói, mình nghĩ mới là người sống có trách nhiệm .
Trách nhiệm, không chỉ từ phía người dân mà còn phải bắt nguồn từ các chính phủ. Muốn dân làm, nhà nước phải đi đầu . Tuy thế, hối lộ, tham mưu, các thế lực ngầm vẫn ngày ngày hiện hữu. Ai cũng hứa, cũng thề, cũng đảm bảo “ Lợi ích nhân dân đặt lên hàng đầu”. Vậy mà, một nhiệm kì chỉ gồm 4 năm. Sau 4 năm, họ đồng loạt rút lui, hậu quả những việc làm ấy vẫn ở lại với nhân dân và cấp lãnh đạo mới phải đứng ra giải quyết. Đó có còn là trách nhiệm hay không khi chỉ xử lý khi ta còn ngồi trên chiếc ghế có chức có quyền ?
Tôi cũng không dám tự hô vang , rằng tôi là một học sinh có trách nhiệm đối với việc học. Bản thân nhiều lúc lơ là, bỏ bê và nói dối về những con số mực đỏ. Cũng đã nhiều lần tự hứa, nhưng rồi lại tự lãng quên. Thế nhưng, bây giờ tôi quyết thay đổi và khuyên nhủ các bạn tôi thay đổi. Chẳng lẽ ba mẹ đã khổ cực sinh ra, rồi vất vả nuôi nấng mà khi lớn lên, ta không có được một công việc để nuôi ba mẹ nay đã ở tuổi già ? Nhận tình thương, ta phải có trách nhiệm đối với những cái ta nhận và làm sao để xứng với cái nhận đó.
Nói tóm gọn lại, trách nhiệm không phải ai cũng hiểu được. Vậy mà trách nhiệm lại gánh một vai trò to lớn đối với vận mệnh một đất nước và một con người. Con ngừơi có trách nhiệm sẽ là một công dân tốt. Mà ở một nơi có nhiều công dân tốt sẽ là một đất nước hùng mạnh. Chính vì vậy, ở mỗi công dân trẻ, cái khái niệm này cần đựơc học tập và rèn luyện ngay từ nhỏ, để khi lớn lên, ta có đủ tự tin để gánh vác những việc mình làm, góp phần vào công cuộc xây dựng đổi mới đất nước.
Thanh Thanh-10a9-0910

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét